Ủy ban kinh tế: Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn thiếu ‘tính gắn kết’

Nhật Hạ - 16:47, 05/01/2023

TheLEADERKết cấu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia theo tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được sự gắn kết giữa các vùng động lực quốc gia với nhau, với các hành lang kinh tế và với định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội hôm nay, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức như không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. 

Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế…

Theo ông Dũng, nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển giai đoạn vừa qua xuất phát từ việc vẫn còn tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước; công tác quy hoạch chưa thật sự được coi trọng đúng mức, chất lượng các quy hoạch chưa cao; thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương.

Do đó, thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch lần này sẽ cụ thể hóa các quan điểm như không gian phát triển phải hiệu quả, thống nhất, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; sử dụng hiểu quả, tiết kiệm tài nguyên…

Ủy ban kinh tế: Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn thiếu ‘tính gắn kết’
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu gồm tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 -8,5%, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Giai đoạn 2031 - 2050, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đưa ra định hướng phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, trên cơ sở vùng kinh tế trọng điểm hiện nay.

Theo đó, vùng động lực phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Vùng động lực phía Nam là TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Vùng miền Trung có khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các cực tăng trưởng tương ứng mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên, như hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, báo cáo tổng hợp quy hoạch được xây dựng cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định tại Luật Quy hoạch, tuy nhiên còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý.

Ngoài ra, mục tiêu của việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi…

Ủy ban Kinh tế cho rằng trong tầm nhìn đến năm 2050 cần bổ sung mục tiêu về giáo dục, đào tạo, phát triển con người toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; có chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0,8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc....

Ủy ban kinh tế: Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn thiếu ‘tính gắn kết’ 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, trừ định hướng phân vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng thì các vùng còn lại đều chưa làm rõ được tiêu chí phân vùng cũng như mục tiêu phân vùng và mối quan hệ giữa các vùng.

Kết cấu hiện tại chưa làm rõ được sự gắn kết giữa các vùng động lực quốc gia với nhau, với các hành lang kinh tế và với định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng. Nội dung phân tích của từng ngành chưa có sự gắn kết với định hướng phân vùng động lực và các hành lang kinh tế.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đồng thời cần định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái; bổ sung, làm rõ hơn các ngành công nghiệp hỗ trợ và bổ sung định hướng phát triển: hệ thống các khu du lịch quốc gia; hạ tầng du lịch; môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch; xây dựng các hành lang di sản, các sản phẩm trong hành lang di sản.

Bên cạnh đó hoàn thiện nguyên tắc định hướng sử dụng đất: “Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất”.

Ông Thanh cho rằng nội dung báo cáo quy hoạch cũng chưa đề cập tới phương án phân vùng hiện nay có những khó khăn gì, do đó cần làm rõ để có đủ cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án phát triển của các ngành và khả năng liên kết vùng.

Thêm nữa, đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần bổ sung định hướng phát triển công nghiệp điện tử, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đối với Vùng động lực phía Bắc và Vùng động lực phía Nam, cần bổ sung các định hướng về phát triển giáo dục, đào tạo và công nghiệp văn hóa.

Cần làm rõ được tầm nhìn, quy mô chiến lược, liên kết vùng, phát triển hành lang kinh tế, vùng động lực quốc gia và phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công, nguồn lực xã hội và tránh dàn trải, thiếu hiệu quả. Đồng thời, đề nghị cần khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định.

Theo Ủy ban Kinh tế, bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh… làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch. Bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình – địa mạo, địa chất – thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn và làm rõ hơn đánh giá về hạn chế, yếu kém liên quan đến tổ chức, phát triển không gian hạ tầng văn hóa, xã hội; lâm nghiệp; thủy sản; môi trường, tài nguyên.