Vì đâu một dự án cảng biển hơn nửa tỷ đô tại Vũng Tàu bị thu hồi?
Nam Phong
Thứ năm, 21/12/2017 - 10:58
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chấm dứt hoạt động dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ do Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Vậy nguyên nhân nào khiến dự án có quy mô đầu tư 10.000 tỷ đồng này chậm triển khai trong gần 10 năm qua?
Theo hồ sơ chúng tôi có được, dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ có diện tích đất sử dụng khoảng 86,6ha, dự kiến tổng mức đầu tư trên 10.235 tỷ đồng, được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) thỏa thuận địa điểm và diện tích xây dựng năm 2006.
Đến năm 2008, Cảng Cái Mép Hạ chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào nhóm cảng biển số 5. Năm 2011, UBND tỉnh có quyết định giao đất. Dự án dự kiến đón nhận các tàu có tải trọng lên tới 160.000 tấn…và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2013.
Ngay lập tức, Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VTSC) đã xúc tiến phương án liên doanh với đối tác nước ngoài. Đại diện VTSC cho biết ngày 16/11/2006, dưới sự chứng kiến của UBND tỉnh BR-VT và Bộ trưởng Hàng hải - Thủy sản Hàn Quốc, công ty đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư dự án Cảng Cái Mép Hạ với các đối tác của Hàn Quốc (Công ty Xây dựng Byuck San, Công ty tiếp vận Dongbu Express, Công ty GS, Công ty Daewoo).
Tuy nhiên, một đại diện ban giám đốc VTSC cho biết từ khi có quyết định giao đất tới năm 2016, chủ đầu tư đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án như: Công tác kiểm kê đền bù bị kéo dài; xác định giá thuê đất kéo dài, những thay đổi về cách tính giá thuê đất đã dẫn tới việc tiền đóng thuê đất phát sinh vượt cả vốn điều lệ của doanh nghiệp, điều này đã khiến doanh nghiệp phải tìm các phương án để giải quyết việc đóng tiền sử dụng đất…
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc chính quyền địa phương đã chậm trễ trong kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở đến chân hàng rào dự án, mà cụ thể là dự án cầu đường liên cảng Cái Mép Thị Vải. Theo đó, đây là dự án phải được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, giai đoạn 1 (2009-2012) sẽ được đầu tư song song với giai đoạn 1 của dự án cảng Cái Mép Hạ.
Tuy nhiên, cho đến nay đường liên cảng mới được kết nối vào chân công trình dự án. Ngay cả phía Hàn Quốc cũng đề nghị sẽ cung cấp nguồn vốn để thực hiện nhanh dự án hạ tầng cơ sở đến chân hàng rào khu cảng nhưng UBND tỉnh đã có văn bản hồi đáp rằng đây là dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách, chưa cần đến vốn vay nước ngoài.
Trong thời gian này, công ty VTSC cũng đã gửi hơn 100 văn bản đến các sở ngành và UBND tỉnh BR-VT để cùng nhau tìm giải pháp, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai dự án thì bất ngờ tỉnh lại ban hành các văn bản chỉ đạo thanh tra và thu hồi.
Đỉnh điểm là ngày 29/6/2016, UBND tỉnh BR-VT có Công văn 4842/UBND-VP giao Sở Tài nguyên - Môi trường(TN-MT) khẩn trương thanh tra, kiểm tra dự án Cảng Cái Mẹp Hạ để xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai; ngày 4/9/2016 gửi Công văn 7224/UBND-VP yêu cầu các ban ngành tạm ngưng giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến dự án và yêu cầu Sở TN-MT thanh tra gửi kết quả thanh tra.
Ngày 12/12/2016, Sở TN-MT công bố kết luận thanh tra. Tiếp đó, đến ngày 30/12/2016 UBND tỉnh BR-VT ra văn bản chỉ đạo thống nhất không tiếp tục đầu tư vốn nhà nước vào dự án; giao Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh căn cứ ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy để tổng hợp, trình UBND tỉnh thu hồi dự án; xử lý trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại VTSC...
Tiếp đó, ngày 14/9/2017 Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Thành Long đã ký Quyết định 2608/QĐ-UBND về việc thanh tra toàn diện VTSC từ ngày cổ phần hóa (năm 2005) đến ngày 31/7/2017. Đoàn thanh tra do ông Võ Huy Hoàng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn và các thành viên thuộc Sở KH-ĐT, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Nội vụ...
Tiếp đó, ngày 13/10/2017, Sở KH-ĐT đã ban hành quyết định chấm dứt đầu tư dự án Cảng CMH và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp với lý do dự án chậm tiến độ.
Giải thích về việc chậm trễ đầu tư dự án, đại diện chủ đầu tư cho biết việc không thể triển khai xây dựng cảng trước năm 2013 do tiến độ cầu đường vào dự án bị chậm, dự kiến hoàn thành năm 2012 nhưng thực tế phải đến năm 2017, trong khi đó năm 2014 UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt giá thuê đất dự án.
Sau quyết định thu hồi dự án Cảng Cái Mép Hạ, chủ đầu tư đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ để được xem xét giải quyết. Ngày 16/11/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh BR-VT khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của VTSC, báo cáo quá trình giải quyết việc giao và chấm dứt hoạt động dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2017.
Năm 2017, Cảng Đà Nẵng phấn đấu đạt được mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua là 8 triệu tấn, trong đó sản lượng container đạt 350.000 Teus, và đưa hai cầu cảng mới của dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II vào khai thác.
Theo Vinalines, trong số 5 bến do 2 đơn vị xin đầu tư có 1 bến cảng chuyên dùng xuất nhập ngũ cốc có khả năng đón được tàu 100.000 DWT và 1 trung tâm logistics có quy mô khoảng 250 ha.
Được xem như “cửa ngõ” quan trọng, nắm giữ gần 40% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng cảng Cát Lái cũng là nơi đang gồng gánh rất nhiều áp lực về việc hàng hóa bị tắc nghẽn, không thể thông quan, đặc biệt là hàng nhập khẩu.
FPT Smart Cloud, công ty con trực thuộc FPT đã được tập đoàn mẹ tăng vốn điều lệ, nhằm gia tăng vị thế trong mảng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
11 đề xuất kinh tế của ông Donald Trump nếu tái đắc cử, nhấn mạnh các chính sách thuế quan, ưu đãi thuế, và phát triển nhà ở nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Xác định "tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế", nhiều đại biểu quốc hội nhấn mạnh việc tháo gỡ 'nút thắt gốc' này là nhiệm vụ căn cơ và cấp bách.