Vì sao các ngân hàng Việt chậm chân trên hành trình số hóa?

Quỳnh Chi - 12:11, 08/09/2021

TheLEADERTốc độ chuyển đổi của ngân hàng số tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác.

Vì sao các ngân hàng Việt chậm chân trên hành trình số hóa?
Người dùng Việt Nam ít tiếp cận thông tin tài chính trên các trang thông tin điện tử và ứng dụng của ngân hàng nhất (chỉ 54%), so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân của sự chậm trễ trong phát triển ngân hàng số ở Việt Nam, theo Backbase, xuất phát từ việc người tiêu dùng Việt Nam đang có mức độ tin tưởng tương đối thấp đối với các ngân hàng chỉ có hiện diện số. 

Báo cáo “Sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương" của Backbase cho thấy, chỉ 16% người dùng cho biết họ có đặt niềm tin vào ngân hàng số. Trong khi đó, ở những thị trường phát triển hơn, việc triển khai các công cụ quản lý tiền và sức khỏe tài chính không mất phí, với đầy đủ tính năng và lợi ích, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. 

Ông Iman Ghodosi, Phó giám đốc Backbase khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng các ngân hàng Việt Nam và khách hàng của họ mới chỉ đang ở bước đầu trên hành trình số hóa. Khi người Việt càng nắm bắt nhiều thông tin hơn và có quyền kiểm soát để đưa ra những lựa chọn tài chính sáng suốt hơn, họ sẽ càng tin tưởng vào các tổ chức trao cho họ cơ hội này. 

"Công nghệ hiện nay đã cho phép chúng ta hiện thực hóa điều đó. Xu hướng này đang diễn ra trên toàn cầu, và nghiên cứu của Backbase cho thấy một chiến lược tương tự cũng sẽ có hiệu quả khi áp dụng ở Việt Nam. Đây là chất xúc tác để ngành ngân hàng số của Việt Nam thật sự khởi sắc”, ông Iman Ghodosi nói.

Lãnh đạo Backbase cho rằng, việc nắm bắt mối quan hệ với khách hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong kỷ nguyên ngân hàng tương tác, ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc toàn bộ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, và dừng việc đầu tư công nghệ một cách phân mảnh. 

Ngân hàng Việt chậm chân trên hành trình số hoá
Ông Iman Ghodosi, Phó giám đốc Backbase khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Các ứng dụng số giúp quản lý tiền và sức khỏe tài chính

Thông qua những cải tiến trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, các phân tích hành vi người dùng trong thói quen chi tiêu, trải nghiệm người dùng và công nghệ ưu tiên thiết bị di dộng như các ứng dụng đã mang đến một loạt công cụ giúp nâng cao hiểu biết tài chính cho người dùng.

Các công cụ đó có thể kể đến như: phân tích chi tiêu, lập mục tiêu tiết kiệm, phân loại giao dịch, gợi ý tài chính được cá nhân hóa và lập lịch thanh toán hóa đơn.

“Qua đó, có thể thấy sự thấu hiểu và đồng hành theo chiến lược này của ngân hàng sẽ giúp ích như thế nào trong việc trao quyền và xây dựng lòng tin cho người dùng”, ông Iman Ghodosi chia sẻ thêm.

Báo cáo đã chỉ ra rằng 50% người Việt không hoàn thành được mục tiêu tài chính của mình, 62% cảm thấy bản thân đang ‘ngập’ trong nợ nần, và 71% không biết phải tìm lời khuyên tài chính đáng tin cậy từ đâu. 

Ông Iman Ghodosi nhấn mạnh, thông qua các công cụ kỹ thuật số giúp quản lý tài chính, ngân hàng có thể giải quyết tất cả vấn đề này và thậm chí nhiều hơn. Họ có thể mang lại sự thay đổi lớn đến đời sống tài chính của khách hàng.

Cuộc đua đã bắt đầu nhưng nhiều ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng

Các ngân hàng ở Việt Nam đang dịch chuyển dần sang mô hình kỹ thuật số, tuy nhiên đối với một số đơn vị, hành trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra một cách từ tốn. 

Trong số các nhà lãnh đạo nắm quyền quyết định trong các ngân hàng bán lẻ Việt Nam được phỏng vấn trong báo cáo của Backbase, 58% cho biết đang triển khai hoặc mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, trong khi 28% chia sẻ rằng công ty họ không quan tâm hoặc đang dần loại bỏ dịch vụ số này.

Ông Riddhi Dutta, Giám đốc Backbase khu vực Đông Nam Á và Nam Á nhận định, dường như có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng đang số hóa và những ngân hàng còn chưa bắt đầu việc chuyển đổi này; đây có thể là một cơ hội lớn cho những ngân hàng đang muốn tăng tốc và tập trung nguồn lực để giành lấy lợi thế của người dẫn đầu.

Dấu hiệu tích cực là 42% nhà lãnh đạo tại các ngân hàng bán lẻ của Việt Nam cho biết sẽ tăng cường đầu tư cho các sáng kiến về sức khỏe tài chính trong vòng 12 tháng tới. 74% nói rằng họ đang lên kế hoạch hoặc tích cực mở rộng các sáng kiến về sức khỏe tài chính trên nền tảng số, đó là một số tín hiệu tích cực”, ông Dutta nhận định.

Trước sự nhận thức rõ ràng của ngân hàng về những thách thức mà người dùng đang đối mặt cũng như về các ứng dụng theo dõi sức khỏe tài chính, mọi băn khoăn lại đổ dồn về câu hỏi duy nhất: tại sao vẫn còn một số ngân hàng Việt Nam “chậm chân” trong việc số hóa?

Việc thiếu thông tin có vẻ đang là rào cản chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng tại Việt Nam, 72% đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng nhìn nhận việc thiếu sự nắm bắt về nhu cầu của khách hàng và hệ quả theo sau là một trở ngại trong việc phát triển thêm các công cụ số cho người dùng. 

Nhiều đơn vị cho rằng họ không chắc chắn về cách làm việc hoặc hợp tác cùng công ty fintech để triển khai hoạt động. Nguyên nhân còn nằm ở nền tảng công nghệ đã lỗi thời hoặc phải kế thừa từ giai đoạn trước hoặc do các ưu tiên cạnh tranh.

Ông Ghodosi nhận định, thay đổi không phải điều dễ dàng. Tuy vậy, đối với những đơn vị tài chính đang muốn chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu, sự trì hoãn của một số tổ chức chính là cơ hội dành cho họ.

“Trong 12 tháng tới, việc áp dụng sáng kiến về sức khỏe tài chính sẽ được cải tiến nhiều hơn, và trong vòng 24 tháng nữa người Việt sẽ có những trải nghiệm số hoàn toàn khác với các ngân hàng hiện tại. Tất cả đều nằm trong tay của người đang hướng đến vị thế tiên phong”, lãnh đạo Backbase nói.