Vì sao các siêu dự án PPP đói vốn, kém hấp dẫn?

Nguyễn Cảnh - 11:19, 07/11/2023

TheLEADERHút vốn đầu tư vào các dự án PPP hiện không thực sự hấp dẫn do nhiều nguyên nhân.

Vì sao các siêu dự án PPP đói vốn, kém hấp dẫn?
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào các dự án PPP vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. 

Theo bộ trưởng, thực trạng kém hiệu quả của các dự án PPP có 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế gặp khó khăn kéo dài khiến doanh nghiệp rơi vào cuộc khủng hoảng lớn, cạn nguồn lực đặc biệt là dòng tiền. 

Thứ hai, lợi nhuận mang lại từ việc đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông không cao, trong khi doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khác để đầu tư.

Thứ ba, đầu tư các dự án PPP lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro. Ví dụ, liên quan đến hiệu quả, thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu xe ô tô nhưng phân bố không đồng đều, chỉ tập trung nhiều tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành. Trong khi đó, việc thu hồi vốn các dự án PPP vẫn chủ yếu dựa trên lưu lượng xe, đây chính là yếu tố bất lợi đối với nhà đầu .

Thứ tư, quy định tỷ lệ tham gia vốn nhà nước chỉ được tối đa 50% vào các dự án PPP hạ tầng giao thông chưa hấp dẫn. Bởi lẽ, thực tế tại nhiều dự án, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều.

Ngoài ra, tình trạng chậm thu hút các dự án PPP hạ tầng giao thông theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng còn xuất phát từ nhiều vấn đề liên quan cơ chế chính sách thu hút cần điều chỉnh.

Một điển hình được bộ trưởng lấy ví dụ là tình trạng hiện nay không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP. Nhà đầu tư ngoại xác định tham gia các dự án PPP thực chất là hình thức nhà nước vay doanh nghiệp để triển khai. Chính vì vậy, họ đòi hỏi hai điều kiện: bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ khi nhà đầu tư thu hồi vốn.

Đặc biệt, vấn đề mà cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế quan ngại là giải phóng mặt bằng. Các dự án PPP tại nhiều quốc gia thường được tách riêng phần giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, phần còn lại là dành cho doanh nghiệp tham gia.

Như TheLEADER thông tin, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, quá trình áp dụng quy định của các luật: Giao thông đường bộ, đầu tư công, ngân sách nhà nước, PPP vào thực tế các dự án đường bộ gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là tình trạng thiếu nguồn vốn triển khai.

Theo Điều 69 Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP bị khống chế không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Nếu áp dụng đúng tỷ lệ này, các dự án PPP sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, nhiều dự án đường bộ đang chuẩn bị đầu tư, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao, nếu muốn kêu gọi được nhà đầu tư theo phương thức PPP cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn tỷ lệ 50%.

Tình trạng này đang xảy ra tại loạt dự án cao tốc như Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng). Hai siêu dự án này đều đang đề nghị áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50%.

Nút thắt thứ hai nằm ở phần vốn để giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đi qua khu vực đồng bằng, nhu cầu giải phóng mặt bằng cao dẫn đến kinh phí ở phần công việc này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng mức đầu tư.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tỷ lệ chi phí giải phóng mặt bằng/tổng mức đầu tư của một số cao tốc đang triển khai dao động từ 10 - 23%. Ở một số cao tốc đang nghiên cứu, tỷ lệ trên thậm chí còn vượt 40% như vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương 42,2%, qua Long An là 43%, qua TP.HCM gần 50%, qua Đồng Nai gần 57%.