Vì sao Petrolimex vẫn chưa di dời cảng xăng dầu B12?

Nguyễn Cảnh - 08:30, 29/05/2021

TheLEADERVới tuổi đời hơn 40 năm, cảng xăng dầu B12 (tỉnh Quảng Ninh) đã hai lần có chỉ đạo phải di dời nhưng đến nay Petrolimex vẫn giữ nguyên vị trí cũ để hoạt động.

Vì sao Petrolimex vẫn chưa di dời cảng xăng dầu B12?
Toàn cảnh hệ thống cầu cảng tiếp nhận xăng dầu và kho xăng dầu Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng xăng dầu B12 thuộc diện phải di dời trước năm 2020. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương đánh giá, khu vực kho, cảng, tuyến ống B12 không ảnh hưởng đến quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch du lịch của TP. Hạ Long (Quảng Ninh). 

Đồng thời, hệ thống các kho xăng dầu trên B12 phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Về lựa chọn vị trí xây dựng kho cảng xăng dầu thay thế cảng B12, báo cáo của Petrolimex cho thấy, đa số các địa điểm xây cảng thay thế cảng dầu B12 không đáp ứng tiêu chí đảm bảo hiệu quả kinh tế, vốn đầu tư lớn.

Khái toán tổng vốn đầu tư phương án thấp nhất ước tính khoảng 5.300 tỷ đồng, phương án cao khoảng trên 13.000 tỷ đồng. 

Chi phí nạo vét ban đầu đảm bảo luồng và vũng quay hoạt động của tầu vận tải xăng dầu từ 350 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng, chi phí nạo vét hàng năm bình quân từ 50 - 300 tỷ đồng, quá trình xây dựng và khai thác sử dụng ước tính phát sinh lỗ lớn bình quân từ 500 – 1.700 tỷ đồng/năm. 

Thậm chí, tổng giá trị lỗ lũy kế theo vòng đời 15 năm của dự án đầu tư lên tới khoảng từ 8.000 tỷ đồng đến gần 26.000 tỷ đồng.

Vì vậy, việc triển khai đầu tư kho, cảng tại các vị trí khảo sát mới (thời gian xây tối thiểu từ 5 - 7 năm) sẽ rất khó khăn, không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng đến đóng góp ngân sách của Petrolimex.

Cũng the Petrolimex phân tích, nếu chọn một trong các vị trí mới sẽ phải đầu tư tuyến ống xăng dầu kết nối về điểm đầu tuyến công trình B12 tại Bãi Cháy, với tổng chiều dài tối thiểu 24km và tối đa đến 140km, đi qua nhiều khu đô thị, khu nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch mới của địa phương (Quảng Ninh và Hải Phòng) có nhiều đoạn ống phải đi ngầm dưới biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn môi trường, cháy nổ hành lang bảo vệ tuyến ống so với vị trí B12 hiện hữu.

Lý do khiến cảng B12 thuộc diện quy hoạch di dời trước năm 2020 là do cảng này đã được đưa vào diện di dời từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng và do những quan ngại về nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ và ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của cảng. 

Cụ thể, thời điểm năm 1999, cảng B12 là cảng phao, hoạt động có thể ảnh hưởng đến luồng tuyến tàu vào cảng container Cái Lân. 

Trong quá trình vận hành, việc bơm chuyển bằng ống mềm đi ngầm dưới biển khi gặp thời tiết bất thường, có nguy cơ rủi ro đứt/thủng ống làm tràn dầu ra biển…

Petrolimex khẳng định, vị trí cảng dầu B12 hiện hữu đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách an toàn theo Nghị định 13/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền. 

Đồng thời, vị trí và hoạt động của cảng B12 hiện không ảnh hưởng tới quy hoạch mở rộng cảng Cái Lân. 

Việc thay đổi vị trí cảng B12 cần thời gian lâu dài, phải được tính toán cụ thể, đánh giá tác động rủi ro tới việc đảm bảo cung – cầu xăng dầu và an ninh năng lượng trong trường hợp phải đầu tư thay thế.

Trước đó, Petrolimex đã lựa chọn một số vị trí ngoài phạm vi quy hoạch vùng đệm khu vực bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long để xây dựng cảng xăng dầu thay thế cảng B12. 

Tuy nhiên, các vị trí này đều có nhiều nhược điểm về hiệu quả kinh tế lẫn nguy cơ rủi ro về môi trường.

Điển hình, tại vị trí khu vực bờ phải sông Chanh, đối diện đảo Quả Muỗm (tổng mức đầu tư khoảng 7.890 tỷ đồng), tuyến ống kết nối từ cảng đến hệ thống kho cảng hiện hữu đi qua khu vực sông, vịnh Hạ Long và qua các khu đã được quy hoạch (dự án Sungroup, công viên Đại dương, đô thị thành phố Hạ Long xanh…) đã giao đất cho các chủ đầu tư. 

Tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, không đảm bảo hiệu quả kinh tế, lỗ bình quân dự tính 1.230 tỷ đồng/năm.

Tương tự, vị trí bờ trái sông Chanh, thượng nguồn nhà máy Nosco (tổng mức đầu tư khoảng 6.900 tỷ đồng) có nhược điểm đất đã giao cho Tập đoàn Rent A Port (Vương quốc Bỉ), hạ tầng kém, tuyến ống nối đi qua các khu vực nhà máy Nosco, khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tính toán lỗ bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng tiếp tục duy trì cảng xăng dầu B12 ở vị trí hiện hữu trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. 

Về vấn đề này, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo liên quan. Trong đó có nội dung, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Petrolimex tiếp tục tổ chức nghiên cứu các vị trí phù hợp trong từng giai đoạn để thay thế bến cảng xăng dầu B12, xây dựng kế hoạch thực hiện di dời bến cảng này theo quy định. 

Đồng thời, UBND TP. Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh lưu ý bảo đảm dành quỹ đất phù hợp để đầu tư xây dựng cảng xăng dầu.

Cảng dầu B12 là cảng xăng dầu quốc gia lớn nhất miền Bắc tiếp nhận tàu dầu có trọng tải 40.000 DWT; khối lượng tiếp nhận trung bình trên 4 triệu m3 xăng dầu các loại/năm. 

Từ đây xăng dầu được bơm chuyển bằng đường ống tới Tổng kho Đức Giang (Hà Nội), Tổng kho Thượng Lý (Hải Phòng), kho K133 - Đỗ Xá (Hà Nội) và kho xăng dầu K135 - Phủ Lý (Hà Nam). 

Nguồn xăng dầu từ các tổng kho tiếp tục vận chuyển, cung ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho các tỉnh thành phía Bắc.

Cảng dầu B12 đi vào hoạt động từ năm 1969, trực thuộc Công ty Xăng dầu B12 là đơn vị đầu mối kinh doanh xuất nhập xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại khu vực miền Bắc. 

Đây là cảng duy nhất ở Việt Nam có tàu lai dắt cứu hộ 3600 mã lực, với khả năng quay trở tại chỗ, cùng hệ thống chữa cháy hiện đại phục vụ cứu hộ, lai dắt và chữa cháy trên biển.