'Vị Thủ tướng luôn đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính'

Kim Yến - 20:20, 17/03/2018

TheLEADER"Chú Sáu Khải, cố Thủ tướng Phan Văn Khải mãi mãi là một vị Thủ tướng của dân, vì dân, và được dân chúng kính trọng".

'Vị Thủ tướng luôn đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính'
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trong một hội nghị. Ảnh bà Nguyễn Thị Sơn cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Sơn, nhà sáng lập SonKim Land, người tiên phong trong đầu tư ngành dệt may với công ty Legamex, hiện là Phó tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý IBLA đã chia sẻ đầy xúc động về sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính đến cùng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Năm 1986, Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Khải đã đến thăm Công ty Dịch vụ Quận 10, thể hiện sự đồng hành và quyết tâm của chính quyền với doanh nghiệp, chị có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất về ông?

Bà Nguyễn Thị Sơn: Năm 1984, định hướng và phát triển cơ cấu kinh tế của TP. HCM là mở rộng ngành kinh doanh dịch vụ. Ngày đó mọi người gọi ngành dịch vụ là ngành công nghiệp không khói, thế là hàng loạt công ty dịch vụ các quận được thành lập. 

Công ty Dịch vụ quận 10 phát triển tốt, được xem là lá cờ đầu của thành phố về ngành kinh doanh dịch vụ (và cũng được xem như mô hình dịch vụ thí điểm của Trung ương). Vì thế các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đến thăm và được lãnh đạo quận 10 giới thiệu tham quan mô hình dịch vụ để nghiên cứu chính sách cho phù hợp.

Lần tiếp xúc đầu tiên của công ty với Chủ tịch thành phố Phan Văn Khải, anh Tư Long, Giám đốc công ty và tôi, phó giám đốc thay phiên nhau, phấn khởi trình bày và trả lời các câu hỏi đã gây được sự chú ý lắng nghe của vị Chủ tịch thành phố.

Năm 1987, lãnh đạo quận 10 bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Xí nghiệp Giày da, may mặc Quận 10. Từ nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa, tháng 12/1988, Xí nghiệp chính thức đổi tên là Công ty Xuất nhập khẩu Legamex. 

Hoạt động kinh doanh sản xuất ngày càng phát triển mạnh nên nhân sự ngày càng đông. Ngoài số công nhân làm việc trực tiếp trong công ty có lúc lên đến 4.000 người, Legamex còn giải quyết công việc làm cho khoảng 15.000 lao động ở các xí nghiệp vệ tinh.

Trong sự phát triển chung của thành phố, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Khải đã tổ chức cuộc họp nhỏ, mời một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn thành phố để tham vấn cho chủ tịch về hướng phát triển mở rộng xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của thành phố. 

Tôi được mời đến dự và phát biểu theo hình thức tọa đàm. Sau cuộc họp đó, anh Nguyễn Văn Kích gọi điện thoại cho tôi nói chú Sáu Khải đánh giá tốt về ý kiến của tôi.

Với những thành tích kinh doanh có hiệu quả, Legamex đã được Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB đồng ý về nguyên tắc cho Công ty Legamex vay vốn tín dụng dài hạn, một chuyện chưa có tiền lệ một phần cũng nhờ tác động của ông Phan Văn Khải?

'Vị Thủ tướng luôn đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính'
Nhà sáng lập SonKim Land Nguyễn Thị Sơn.

Bà Nguyễn Thị Sơn: MIB dồng ý cho vay vì ba lẽ: một là Việt Nam là thành viên HĐQT của MIB nhưng chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam sang vay, hai là ông chủ tịch ngân hàng MIB rất yêu quý Việt Nam, ba là Công ty Legamex làm ăn với Liên Xô có hiệu quả và vì phương án vay sản xuất hàng tiêu dùng có tính khả thi. với điều kiện phải có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Do lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam vay vốn Ngân hàng Quốc tế MIB để đầu tư sản xuất phục vụ các hiệp định thương mại với Liên Xô nên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất ủng hộ và giúp đỡ thủ tục rất nhanh chóng. Phải nói đến sự giúp đỡ nhiệt tình của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Phan Văn Khải và Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Lữ Minh Châu.

Ngày 31/8/1989, Công ty Legamex đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB vay 6.000.000 USD. Sau khi đầu tư vào nhà máy may mặc chúng tôi tiếp tục được MIB hỗ trợ thêm 6.000.000 USD cho dự án sản xuất giày dép. Ngân hàng thanh toán quốc tế MBES cũng cho vay 1.000.000 USD vốn lưu động.

Thời kỳ ấy, luật doanh nghiệp, luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn rất mới, làm thế nào để chị và Legamex có thể vượt qua sự cố cổ phần hóa ở Legamex về tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”?

Bà Nguyễn Thị Sơn: Thời đó các khách hàng khi đến Việt Nam thường đề nghị được giới thiệu đến tham quan và nghiên cứu mô hình kinh doanh theo cơ chế thị trường của Legamex và họ rất tin tưởng vào phong cách kinh doanh của Legamex. 

Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương và các tỉnh thành khi đến thăm các nhà máy của Legamex đều khen ngợi, Legamex được nhiều báo đài trong nước và ngoài nước viết bài ca ngợi như một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam trong thời kỳ đầu của chính sách mở cửa.

Sự nghiệp đang phát triển, Legamex là một thương hiệu mạnh Việt Nam ở thời kỳ đầu thập niên 1990. Tháng 8/1991 công ty chuyển cấp chủ quản từ quận 10 lên thuộc Sở Công nghiệp TP. HCM. Đến năm 1993, nhà nước có chính sách đổi mới doanh nghiệp, cụ thể là chương trình “cổ phần hóa” doanh nghiệp và chọn Legamex là thí điểm đầu tiên.

Tôi hăng hái là người đi tiên phong vì những lý do: MIB đang có chủ trương bán nợ, đây là cơ hội bằng vàng để chỉ trả nợ với giá 40% là hết nợ, cổ phần hóa để thu hút vốn mua lại nợ; 

Ngành may đang có tiềm năng phát triển, cổ phần hóa để có thêm vốn tự có đầu tư mở rộng nhà máy, phát triển sản xuất kinh doanh; Chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước.

Chương trình cổ phần hóa Công ty Legamex được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ủng hộ (chủ trì thí điểm cổ phần hóa do Phó thủ tướng Trần Đức Lương trực tiếp chỉ đạo), lãnh đạo TP. HCM cũng ủng hộ (văn bản số 5908/UB-CN ngày 5/12/1992 của Chủ tịch UBND TP. HCM Trương Tấn Sang gửi Văn phòng Chính phủ về việc xin làm thí điểm cổ phần hóa toàn bộ Công ty Legamex).

Trong sự cố cổ phần hóa ở Legamex về tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do thấu hiểu sâu sắc về khả năng làm việc và trách nhiệm của cán bộ, chú Sáu Khải đã thẳng thắn có công văn bảo vệ cán bộ của mình.

Văn phòng Chính phủ ngày 19/04/1994 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Phan Văn Khải: “giao Thanh tra Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP. HCM, xem xét kỹ những căn cứ kết luận sai phạm, cái gì thuộc về sai phạm của Ban giám đốc Công ty Legamex, cái gì thuộc quyết định của cấp trên mà công ty phải làm, cái gì thuộc cơ chế chung của thời điểm đó để bảo đảm việc xử lý sai phạm của cán bộ khách quan, đúng pháp luật”.

'Vị Thủ tướng luôn đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính' 1
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mông Cổ.

Sau khi mọi việc rõ ràng, tôi được chuyển công tác về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Thủ tướng Phan Văn Khải mừng khi tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc VCCI. Tháng 5/2004, tôi được tháp tùng đoàn Thủ tướng Chính phủ đi Bắc Kinh, Hồ Bắc, Liêu Ninh Trung Quốc và Mông Cổ dự các hội thảo về quan hệ đầu tư song phương và tham quan Đại học Nông lâm Mông Cổ. 

Tôi đã rất vinh dự được đến thăm Trường Đại học Nông lâm Mông Cổ và tham dự lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thủ tướng Phan Văn Khải.

Được chứng kiến lễ trao bằng và nghe Hội đồng Khoa học Đại học Nông lâm Mông Cổ phát biểu đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về sự phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt - Mông trong đó có sự đóng góp to lớn của Thủ tướng Phan văn Khải. 

Tôi thật sự xúc động vì sự long trọng trang nghiêm của buổi lễ và vì lòng kính trọng đối với Thủ tướng.

Chú Sáu Khải, cố Thủ tướng Phan Văn Khải mãi mãi là một vị Thủ tướng của dân, vì dân, và được dân chúng kính trọng.