Cố vấn Sơn Kim Group nói về sức ép trước sự đổ bộ của thời trang Zara và H&M

Kim Yến ghi - 09:17, 16/09/2017

TheLEADERBà Nguyễn Thị Sơn, cố vấn Sơn Kim Group cho rằng, sự đổ bộ của hai thương hiệu Zara và H&M với mức giá rất cạnh tranh và mẫu mã phong phú thực sự là mối đe dọa lớn với thương hiệu thời trang còn non trẻ của Việt Nam.

Cố vấn Sơn Kim Group nói về sức ép trước sự đổ bộ của thời trang Zara và H&M
Doanh nhân Nguyễn Thị Sơn.

Giới trẻ đang xếp hàng ở các trung tâm thương mại để mua hàng thời trang thương hiệu H&M. Sự đổ bộ của hai thương hiệu Zara và H&M với mức giá rất cạnh tranh và mẫu mã phong phú thực sự là mối đe dọa lớn với thương hiệu thời trang còn non trẻ của Việt Nam.

Thời buổi của internet, bấm vào Google tìm H&M, chúng ta thấy hiện ra các thanh H&M, H&M UK, H&M Vietnam, H&M Thailand, H&M Sale, H&M Singapore… Riêng H&M Vietnam, một trang web chuyên nghiệp với những hình ảnh đẹp đăng trong các mục LADIES, MEN, KIDS, MAGAZINE… 

Điều đó cho thấy ngành thời trang Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu mạnh nước ngoài không chỉ là mẫu mã sản phẩm, quy mô thị trường mà còn là truyền thông, quảng bá trên các trang thông tin online, các trang mạng xã hội.

Ngành may thời trang Việt hiện nay đang khó khăn, phong trào thiết kế, biểu diễn thời trang, marketing cho thương hiệu cũng giảm đi rất nhiều. Lại thêm cái khó mặt bằng giá rất cao, nặng nề nhất là công nhân ngành may cực kỳ thiếu…

Trong hội nhập quốc tế, các thương hiệu nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam là chuyện bình thường, nhưng cũng có nhiều thách thức với riêng họ. Thông thường họ có thể chọn phương án nhượng quyền thương hiệu cho một thương hiệu Việt Nam, hoặc tự mình nhảy vào. Họ cứ chọn quốc gia nào lao động rẻ thì họ gia công, rồi bán sản phẩm cho các quốc gia khác.

Với Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ các thương hiệu nước ngoài mới chỉ nhắm vào hai thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội thôi chứ chưa tấn công các tỉnh đâu. Họ nhiều vốn nên thuê những mặt bằng cao cấp ngay tầng 1, thiết kế hoành tráng, marketing mạnh, nên đến thị trường nào cũng thắng, còn thương hiệu Việt Nam vốn ít, nên đa số chỉ thuê những nơi không trung tâm.

Có một điều lạ là nhiều đại gia lớn của Việt Nam hiện nay đều làm bất động sản chứ không đầu tư mạnh vào ngành thời trang, nhiều thương hiệu thời trang cũ lại nhảy sang ngành khác kinh doanh dễ dàng hơn. 

"Nhìn lại, có thể thấy vẫn còn những thương hiệu mạnh như Việt Tiến, May 10, SonKim Mode, PT2000 có mặt bằng ở đường Hai Bà Trưng rất lớn. Phát triển kinh doanh chuỗi, đôi khi hoành tráng quá cũng bị hụt hơi vì chỗ lời phải nuôi chỗ lỗ. Tôi rất ngạc nhiên thấy cà phê Trung Nguyên thuê những mặt bằng quá tuyệt, nhưng người vào không bao nhiêu, chắc phải lấy lời chỗ khác đắp vô, nếu lâu dài sẽ chịu không nổi", cố vấn Sơn Kim Group chia sẻ.

Với những thương hiệu thời trang riêng của Sơn Kim Mode như Vera, Jockey, Wow, J.Buss, Dickies… doanh thu vẫn ở mức độ tương đối, nhưng cũng phải tính toán lại. Chiến lược của chúng tôi là đưa vào trung tâm thương mại lớn để phát triển các thương hiệu này vào cùng một lúc. 

Bà Sơn bộc bạch: Chấp nhận thách thức thị trường, nhưng cũng nhiều bực bội, ngay cả các trung tâm thương mại của những thương hiệu nổi tiếng về phát triển chuỗi khi mới mở ra kêu các doanh nghiệp vào, đối xử rất tử tế. Nhưng sau này khi có nhiều thương hiệu nước ngoài vào, họ lại đẩy các thương hiệu Việt Nam lên lầu để giành chỗ tốt nhất cho các thương hiệu nước ngoài. Ngay cả mặt bằng thuê bên ngoài cũng bị tăng giá liên tục, vừa có lời lại bị đòi nhà, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp làm xuất khẩu tuy lợi nhuận không cao nhưng thông qua các hợp đồng gia công, chất lượng quản trị doanh nghiệp và tay nghề của công nhân đã cải thiện rất nhiều, không thua kém gì nước ngoài. 

Để đón sóng hội nhập ngay trên sân nhà, không còn cách nào khác là ngành thời trang phải chấp nhận cạnh tranh, thu hút người lao động với sản phẩm chất lượng quốc tế. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải mạnh dạn đi tìm thị trường mới, nhất là các nước ASEAN, vì so sánh về cả vóc dáng, sở thích tiêu dùng giống nhau. Tấn công vào thị trường ASEAN+1, ASEAN+2 chính là chiến lược chủ động của chúng ta. 

Trung Quốc, Thái Lan đều có hai phân khúc, làm hàng cao cấp và hàng giá rẻ. Mình ngược lại cũng phải luôn đặt mình vào vị trí khách hàng để phục vụ chu đáo cho hai phân khúc đó. Những áo dài kết cườm, áo dài thêu cả chục triệu cũng có người mua, đó là cái hơn hẳn của mình rồi, bên cạnh đó là phát triển hàng thời trang lưu niệm… 

Chính bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự mình chọn thị trường ngách để tạo thế mạnh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.