Việt Nam có thể đi đầu trong chuyển đổi năng lượng

Phương Anh - 15:50, 12/10/2022

TheLEADERLãnh đạo Tập đoàn năng lượng AES cho biết AES rất kỳ vọng về tiềm năng phát triển của Việt Nam, và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại đây với những nỗ lực, giải pháp từ Chính phủ.

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn năng lượng AES của Mỹ, chia sẻ sự đồng tình cao với các quan điểm của Thủ tướng về phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là cách tiếp cận chuyển đổi năng lượng bảo đảm bao trùm, bền vững, toàn diện, phù hợp khả năng chi trả của người dân.

Bên cạnh thông báo tiến độ, tình hình triển khai các dự án tại Việt Nam, ông cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan phía Việt Nam với các dự án, cũng như đề xuất các ý tưởng hợp tác mới, như dự án điện gió ngoài khơi (4GW) tại tỉnh Bình Thuận, và dự án hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS)…

Lãnh đạo của AES đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua về kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống người dân.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng, và câu chuyện thành công của Việt Nam có thể được cảm nhận rất rõ trong thực tế cũng như trên truyền thông toàn cầu.

Ông Juan Ignacio Rubiolo cho biết AES có kỳ vọng rất lớn về tiềm năng phát triển của Việt Nam và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại đây với những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó, có việc xây dựng quy định thí điểm cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Ông bày tỏ kỳ vọng Việt Nam có thể đi đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Vị này khẳng định AES sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài với mong muốn trở thành đối tác đóng góp tích cực để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần xây dựng một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng với nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có tự chủ về năng lượng, nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc bên ngoài như cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu như hiện nay.

Việt Nam có thể đi đầu trong chuyển đổi năng lượng 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn năng lượng AES (Mỹ). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

AES là tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn, và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. AES có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện, xây dựng hạ tầng trong ngành công nghiệp khí trên thế giới.

Tại Việt Nam, AES hoạt động từ năm 2010, đã đầu tư vào dự án nhà máy điện than Mông Dương 2 với công suất 1.150MW tại Quảng Ninh.

Mới đây, Bộ Công thương đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện khí hỗn hợp Sơn Mỹ 2 theo phương thức đối tác công tư do AES đầu tư. Trước đó, Công ty TNHH kho cảng LNG Sơn Mỹ đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2022.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc phát triển năng lượng điện tại Việt Nam cần tính toán tổng thể, toàn diện về nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phù hợp.

Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý, bền vững và bao trùm, người dân được hưởng lợi.

Cụ thể là hỗ trợ các công ty Việt Nam, các nhà đầu tư về nguồn vốn với lãi suất phù hợp, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nhân lực, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích kế hoạch, ý tưởng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Tập đoàn AES cùng các đối tác có năng lực và uy tín tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ các vấn đề đặt ra để các dự án đầu tư của Tập đoàn AES bảo đảm khả thi, hiệu quả và thành công, hợp tác đầu tư bền vững, lâu dài trên cơ sở "lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ", phù hợp các quy định pháp luật và định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam. 

Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có liên quan, trong đó những văn kiện pháp lý quan trọng nhất có thể kể đến là:

- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010; Luật Bảo vệ môi trường 2020

- Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

- Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.