5 giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

Nhật Minh - 13:48, 03/10/2022

TheLEADERĐể thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, trước hết, cần thay đổi hành vi và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển dịch từ các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch, sang các dạng năng lượng sạch, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Đây là xu hướng đang được đẩy nhanh trên toàn thế giới nhằm thay thế những nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt, và hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu, và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã định hình định hướng phát triển năng lượng Việt Nam trong dài hạn, đồng thời đưa ra một số mục tiêu quan trọng đối với phát triển năng lượng.

Các mục tiêu này bao gồm tăng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tăng tỷ lệ các nguồn cung năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp (đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030, 25 – 30% vào năm 2045).

Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 30% vào năm 2045. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đặt ra mục tiêu liên quan đến chuyển dịch năng lượng xanh.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng xác định thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công thương, nhận định để đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và thực hiện các mục tiêu và các cam kết quốc tế, quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam là một tiến trình tất yếu.

Việc xác định con đường phát triển năng lượng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cung ứng đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng, duy trì giá năng lượng có khả năng chi trả.

Cùng với đó, các lộ trình công nghệ cần phải hợp lý về thời điểm áp dụng, đảm bảo tính khả thi kinh tế, kỹ thuật trong điều kiện quốc gia.

Chuyển dịch năng lượng cũng cần phải thực hiện công bằng đối với các nhóm trong xã hội, ông Hưng phân tích trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia về thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững mới đây.

Xây dựng kịch bản

Ông Hưng nhận định hiện nay, Việt Nam vừa phải giải quyết bài toán an ninh năng lượng, cung cấp đầy đủ năng lượng đáp ứng tăng trưởng kinh tế cao, vừa phải hoàn thành đầy đủ các cam kết tại COP26.

Trong khi đó, nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp truyền thống đang suy giảm nhanh chóng. Không chỉ vậy, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ tác động của vấn đề địa chính trị và xung đột trên thế giới tới nguồn cung và giá năng lượng.

Ngoài ra, nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng lớn; khả năng huy động vốn khó khăn, và khó khăn trong vấn đề chuyển đổi lao động đối với khu vực cung cấp năng lượng hóa thạch truyền thống trong nước.

5 giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng 1
TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công thương.

Theo kịch bản chuyển dịch năng lượng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 được tính toán dựa trên mô hình, ông Hưng cho biết trong các dạng nhiên liệu, năng lượng tái tạo có tốc độ tăng cao nhất.

Ông cho biết thêm do nhu cầu than năng lượng sụt giảm bởi chuyển dịch năng lượng đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, than sử dụng cho các mục đích phi năng lượng sản xuất phân đạm, hóa chất và hydro được khuyến khích phát triển để đảm bảo phát triển bền vững ngành than trong nước.

Cùng với đó, than thương phẩm sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu đối với các chủng loại than chất lượng cao. Than bitum và á bitum khai thác từ mỏ than Đồng bằng sông Hồng sẽ được sử dụng thay thế cho than nhập khẩu ở các nhà máy điện. Một sản lượng than sẽ được dùng để khí hóa sản xuất hydro với các biện pháp thu giữ carbon.

Khí tự nhiên khai thác trong nước sẽ được sử dụng tối đa cho các hộ tiêu thụ trong nước. Trong đó, ưu tiên sử dụng khí tự nhiên cho hộ tiêu thụ công nghiệp và sản xuất sản phẩm phi năng lượng, giảm dần sử dụng khí tự nhiên cho sản xuất điện để giảm phát thải khí nhà kính.

Phần thiếu hụt cung cấp khí tự nhiên sẽ được bù đắp bằng nhập khẩu LNG. Khí tự nhiên sử dụng ở các nhà máy điện sẽ dần được thay thế theo một lộ trình bằng nhiên liệu hydro để đảm bảo giảm phát thải trong sản xuất điện.

Dầu thô và sản phẩm xăng dầu, dầu thô khai thác trong nước sẽ được sử dụng tối đa cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Năng lực lọc dầu được phát triển đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu trong nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa dầu.

Nhu cầu xăng dầu trong giao thông vận tải sẽ dần được thay thế bởi nhiên liệu sinh học, điện và các nhiên liệu ít phát thải để giảm phát thải khí nhà kính.

Vượt qua thách thức

Ông Hưng khuyến nghị để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, trước hết cần thay đổi hành vi và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo đó, cần thiết phải có các thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, điển hình như điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý, giảm sử dụng nước nóng quá mức, sử dụng giao thông công cộng thay thế xe cá nhân, tăng tuổi thọ các công trình xây dựng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm tiêu thụ vật liệu nung trong các công trình xây dựng...

Đồng thời, các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cần được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích, thị trường năng lượng.

Các giải pháp chủ yếu đối với quản lý nhu cầu và sử dụng hiệu quả năng lượng có thể bao gồm nâng cao các quy định về hiệu suất tối thiểu đối với thiết bị trong tòa nhà, thực hiện tòa nhà xanh, quy định về hiệu suất phương tiện giao thông, hạn chế/cấm sử dụng động cơ đốt trong, tăng cường phương tiện giao thông công cộng.

5 giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng 2
Theo kịch bản chuyển dịch năng lượng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 được tính toán dựa trên mô hình, trong các dạng nhiên liệu, năng lượng tái tạo có tốc độ tăng cao nhất.

Thứ hai, ông Hưng khuyến nghị tăng cường điện hóa trong các ngành kinh tế.

Do sản xuất điện trở nên sạch hơn, điện hóa các ngành kinh tế sử dụng năng lượng hóa thạch trước đây là một yêu cầu tất yếu đối với nền kinh tế để giảm phát thải khí nhà kính.

Các điểm mấu chốt trong điện hóa sử dụng năng lượng bao gồm tăng tỷ trọng các phương tiện/thiết bị sử dụng điện, lưu trữ năng lượng, phát triển điện lực (hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới; phát triển với tỷ trọng hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí có hiệu suất cao, tính linh hoạt cao; xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện hiện có).

Thứ ba là phát triển năng lượng tái tạo.

Các công nghệ năng lượng tái tạo, như mặt trời, gió, sinh học, là chìa khóa đối với giảm phát thải trong sản xuất điện – ngành đóng góp nhiều nhất cho phát thải CO2.

Theo khuyến nghị, cần phát triển mạnh các loại hình điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời lòng hồ, các dự án điện năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu điện tại chỗ.

Đối với năng lượng tái tạo cho các ngành khác, khai thác tối đa sử dụng năng lượng sinh khối trong sản xuất nhiệt và đồng phát nhiệt điện trong các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiên liệu sinh học đem lại khả năng giảm phát thải trong nhiều lĩnh vực bao gồm nhiên liệu phát thải thấp cho máy bay, tầu thủy và các loại hình giao thông vận tải khác, thay thế khí tự nhiên bằng metan sinh học để cung cấp nhiệt và sản xuất điện.

Giải pháp thứ tư là nhiên liệu hydro và các nhiên liệu nguồn gốc hydro, và cuối cùng là thu hồi, sử dụng và lưu giữ carbon.

Để thúc đẩy và mở rộng quy mô các giải pháp này, ông Hưng nhận định cần tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc, các công cụ tài chính, đặc biệt là công cụ tài chính carbon, các cơ chế khuyến khích hợp lý đối với hoạt động đầu tư, cơ chế ưu đãi đối với nghiên cứu và phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân...

“Giai đoạn từ nay đến trước năm 2030 là giai đoạn then chốt để tạo tiền đề cho chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông nhấn mạnh.