Việt Nam đã sẵn sàng cho ngành bán dẫn?

Hoàng Đông - 21:23, 18/03/2024

TheLEADERQuyết tâm mạnh mẽ thể hiện qua chiến lược, kế hoạch bài bản từ Chính phủ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tự tin với "cuộc chơi" ngành bán dẫn.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết, ngành bán dẫn đang phải đối diện với bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như thiếu hụt lao động, lao động tay nghề cao. Điều này dẫn đến những bước đi điều chỉnh chiến lược thông qua chuyển dịch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào ngành bán dẫn.

Trong số đó, Việt Nam được nhiều quốc gia và tập đoàn lớn đánh giá cao về tiềm năng có thể tận dụng được cơ hội này. Một số tập đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai những dự án bán dẫn đầy tham vọng tại Việt Nam, có thể kể đến như Hanacron, Intel.

Đại diện doanh nghiệp kỳ vọng cao vào tương lai ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam, nhìn nhận những lợi thế của Việt Nam bao gồm nguồn nhân lực trẻ và dồi dào.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với kế hoạch đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện tại Việt Nam đã có khoảng 5 nghìn kỹ sư bán dẫn chất lượng cao và 134 nghìn kỹ sư điện, điện tử mà “Việt Nam sẵn sàng đào tạo lại để làm bán dẫn”.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Duy Thức, nhà sáng lập kiêm CEO OhmniLabs, một startup nổi tiếng lại Thung lũng Silicon, cho biết, tiềm lực phát triển bán dẫn ở Việt Nam còn đến từ đội ngũ không nhỏ những người Việt đang nắm các vị trí cấp cao ở nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

“Nhiều trong số họ muốn quay về cống hiến cho Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng nguồn lực này thông qua một số hoạt động hợp tác, thành lập ban cố vấn, sẽ là đòn bẩy phát triển ngành bán dẫn nhanh hơn, tạo ra ảnh hưởng to lớn hơn”, ông Thức nói.

Tuy nhiên, những yếu tố đó chỉ là điều kiện cần. Theo lãnh đạo Intel Việt Nam, tiềm năng quan trọng nhất để tạo nên triển vọng tươi sáng cho ngành bán dẫn và sự tự tin cho doanh nghiệp tham gia vào sân chơi mới nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này, đến từ quyết tâm của Chính phủ, thể hiện qua chiến lược rõ ràng.

Hiện tại, chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng, với những mục tiêu cụ thể, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành. Chính sách phát triển nhân lực, xây dựng hạ tầng phụ trợ, ưu đãi đầu tư cũng được Chính phủ hết sức chú trọng.

Tại họp báo công bố chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, ông Thắng nhấn mạnh, sự quyết tâm ở tầm chiến lược của quốc gia là lợi thế và động lực quan trọng để doanh nghiệp Việt bước ra toàn cầu với sân chơi công nghiệp bán dẫn.