Việt Nam ‘hút’ doanh nghiệp nước ngoài dù khó khăn

Kiều Mai - 09:01, 11/09/2023

TheLEADERMức lương cạnh tranh, sự kiên cường của nền kinh tế qua những sự kiện gây gián đoạn là hai yếu tố hàng đầu giúp Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động.

Việt Nam ‘hút’ doanh nghiệp nước ngoài dù khó khăn
Việt Nam thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến làm cứ điểm sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Kết quả khảo sát mới nhất của HSBC cho biết, 53% doanh nghiệp được hỏi ưu tiên tăng trưởng tại Việt Nam trong vòng hai năm tới. Trong thời gian đó, trong số các công ty chưa thiết lập hoạt động ở Việt Nam, 13% đang có kế hoạch vào thị trường này.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp có trụ sở tại các nước vùng Vịnh đặc biệt quan tâm đến Việt Nam, với gần 1 trong 5 công ty chọn Việt Nam là một thị trường mới cần ưu tiên.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm 2022 trong quá trình vươn lên khỏi đại dịch Covid-19, và hưởng lợi từ sự đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự kiên cường của nền kinh tế này là một đặc điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế, theo nhận định từ hơn 1/4 công ty tham gia khảo sát (28%).

Một tỷ lệ doanh nghiệp tương đương bị thu hút bởi mức lương cạnh tranh tại đây, trong khi 27% lựa chọn yếu tố lực lượng lao động lành nghề, cho thấy điểm thu hút của Việt Nam trong vai trò một cứ điểm sản xuất.

Việt Nam ‘hút’ doanh nghiệp nước ngoài
Tốp 5 lý do Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp quốc tế coi thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng của Việt Nam là một cơ hội, với 27% nhấn mạnh sự thịnh vượng của người tiêu dùng đang gia tăng là một đặc điểm hấp dẫn.

HSBC trong khảo sát cho biết thêm, những người nắm quyền quyết định trong các công ty Trung Quốc và Ấn Độ (32% và 41%) nhấn mạnh cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng tại thị trường có tầm cỡ này.

Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng chỉ ra cơ hội phát triển, thử nghiệm sản phẩm và giải pháp mới, với 45% trong số đó nói rằng điều này thu hút họ đến đây để mở rộng hoạt động.

Ngoài ra, khoảng 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng nhìn thấy lợi thế của Việt Nam về nhân khẩu học và dân số trẻ.

Tầm quan trọng của Việt Nam trong dòng chảy thương mại toàn cầu được phản ánh qua sự quan tâm mạnh mẽ đối với các hiệp định thương mại tự do. Đơn cử, 63% công ty tham gia khảo sát có ý định tận dụng Hiệp định thương mại EU – Việt Nam.

Về số hóa, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, và là thị trường khởi nghiệp sôi động. Đồng thời, tăng trưởng về thương mại điện tử là một điểm mạnh thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế. Các doanh nghiệp Ấn Độ cho biết bị thu hút bởi những cơ hội trực tuyến nhất, với gần 40% coi đây là lý do để họ mở rộng kinh doanh.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam, đánh giá, vốn được biết đến là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam nổi lên trong nhóm những nước có tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN, bởi sự kiên cường của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam ‘hút’ doanh nghiệp nước ngoài dù khó khăn 1
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam.

Cùng với lực lượng lao động lành nghề chăm chỉ và cơ cấu chi phí cạnh tranh, sự kiên cường này tiếp tục thu hút dòng FDI mạnh mẽ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho rằng, câu chuyện của Việt Nam không chỉ xoay quanh FDI và xuất khẩu.

“Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh cũng là một cơ hội thực sự cho các công ty quốc tế kỳ vọng trở thành một phần của câu chuyện tiêu dùng, mà trong đó, Việt Nam dự kiến trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030. Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài”, ông nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều thách thức

Khác biệt văn hóa và sự phát triển của môi trường pháp lý là hai thách thức lớn nhất cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, gần 1/3 công ty nước ngoài được hỏi nhắc đến khó khăn về văn hóa và 30% nhắc đến thách thức trong việc thích nghi với các quy định và chính sách thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Đặc biệt, 40% các công ty Úc cho biết họ đã phải giải quyết các vấn đề về văn hóa ở Việt Nam. Các công ty Mỹ và Hồng Kông (32% và 34%) cùng nhận định rằng thích nghi với môi trường pháp lý là thách thức chính đối với họ.

Về số hóa, chi phí là trở ngại chính. Hơn 40% doanh nghiệp có hoạt động ở Việt Nam được hỏi cho biết quan ngại về chi phí bảo trì, và tỷ lệ tương đương cho rằng chi phí triển khai là một thách thức.

Ngoài ra, các công ty đang hoạt động tại Việt Nam đều chú ý tới các vấn đề ESG và đang đầu tư vào bền vững. Hơn 3/4 (76%) đang có kế hoạch chi ít nhất 5% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho các sáng kiến bền vững trong vòng 12 tháng tới.

Các doanh nghiệp cho biết, đánh giá lại mức độ bền vững của nhà cung ứng là ưu tiên hàng đầu, với phần lớn tập trung vào mục tiêu đa dạng sinh học và khuyến khích các chuỗi cung ứng có lợi cho tự nhiên.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp quốc tế đang lo ngại về sự thiếu hụt kỹ năng. Khảo sát của HSBC cho thấy, trở ngại lớn nhất để hướng tới bền vững là khả năng tuyển dụng nhân viên có chuyên môn về bền vững,. Đây là một thay đổi đáng kể so với khảo sát năm 2022, khi trước đó, thiếu sự hỗ trợ của chính phủ được nhận định là trở ngại đứng đầu.