'Việt Nam nắm giữ một cơ hội phát triển lớn cho phụ nữ'

Minh Thư - 09:03, 08/03/2019

TheLEADERViệt Nam năng động, hòa bình và hạnh phúc là những ấn tượng đẹp để lại trong bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sau một năm rưỡi sống và làm việc tại đây.

'Việt Nam nắm giữ một cơ hội phát triển lớn cho phụ nữ'
Bà Caitlin Wiesen, quyền trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Được biết bà đã sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian, điều gì khiến bà ấn tượng nhất về đất nước này?

Bà Caitlin Wiesen: Tôi đã ở đây một năm rưỡi và Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Một trong những điều đáng chú ý nhất ở Việt Nam chính là mô hình phát triển, một mô hình không chỉ đề cập tới sự tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy sự văn minh, tiến bộ xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất khi nhắc tới những yếu tố như thu nhập, văn hóa, sự đa dạng và phong phú, những hoạt động sáng tạo nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tất cả đều là những hoạt động nhằm đem lại lợi ích cho con người. Thật sự tuyệt vời!

Vậy còn về thủ đô Hà Nội, nơi bà đang sống và làm việc, cũng là nơi vừa chứng kiến sự kiện lịch sử 'Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều'?

Bà Caitlin Wiesen: Tôi dành sự yêu thích đặc biệt cho Hà Nội, có thể vì đang sinh sống tại đây nên tôi có thiên vị đôi chút. Hà Nội không những là một thành phố năng động mà còn là “Thành phố vì hòa bình”. Thật tuyệt vời khi đúng 20 năm sau khi được trao danh hiệu đó, Hà Nội lại trở thành nơi tổ chức sự kiện quan trọng mà chúng ta mới chứng kiến tuần trước. Có những quan điểm khác nhau xoay quanh việc Hội nghị thượng đỉnh thành công hay không nhưng một điều không thể chối cãi là vai trò tuyệt vời của Việt Nam với tư cách chủ nhà. 

Việt Nam chắc chắn đang phát triển không chỉ như một quốc gia vì hòa bình mà còn cho các nhà đầu tư. Mọi người sẽ thấy nhiều chuyến thăm hơn nữa, đặc biệt là khi Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch ASEAN trong năm tới và một vị trí triển vọng cho ghế Hội ​​đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bà cảm thấy ấn tượng và tích cực về chỉ số phát triển con người ở Việt Nam. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề như quan liêu và tham nhũng. Liệu có bất kỳ xung đột nào giữa hai mặt vấn đề này không?

Bà Caitlin Wiesen: Tôi nghĩ rằng đó là một phần lý do mà chúng tôi ở đây.

Chính phủ đang tạo ra một tác động to lớn trong việc ưu tiên chống tham nhũng và chúng tôi biết đó cũng là mối quan tâm của người dân. Có một chỉ số có tên là chỉ số hạnh phúc đo lường sự ấn tượng của người dân về hiệu suất làm việc. Chính phủ đang phát triển tốt những yếu tố nội tại.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm và đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay. Chúng tôi phải khen ngợi Chính phủ vì Luật phòng, chống tham nhũng được thông qua vào tháng 11/2018 thực sự mở rộng phạm vi không chỉ trong khu vực công mà còn cho khu vực tư nhân và tôi nghĩ rằng đó là chìa khóa để đạt được mục tiêu.

Hy vọng rằng với việc giải quyết tham nhũng tại khu vực tư nhân sẽ tạo thêm các nguồn lực cũng như động lực để đạt được sự phát triển. Công ty ít tham nhũng hơn, họ thể hiện sự liêm chính hơn và đó là những gì chúng tôi hướng tới. Khi họ được cung cấp công cụ cho quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, họ sẽ cải thiện tính liêm chính, minh bạch và tin cậy. Do đó, doanh nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn hơn và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn.

Bà cảm thấy thế nào về đời sống lao động của phụ nữ Việt Nam và xa hơn nữa là cảm nhận của bà về bình đẳng giới tại đây? 

Bà Caitlin Wiesen: Tôi nghĩ rằng Việt Nam nắm giữ một cơ hội lớn cho phụ nữ, họ làm việc rất hiệu quả và giữ vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế. Điều này thật sự tuyệt vời nhưng nó cần phải trở nên chất lượng hơn. Như các quốc gia khác, phụ nữ cần sự công bằng và được trả lương/khen ngợi nhiều hơn nữa, phải dành sự tôn trọng cho những công việc đã làm một cách xứng đáng. Đồng thời, cần ghi nhận đầy đủ sự tham gia của phụ nữ trong xã hội cũng như trong công việc.

Việt Nam cần được khen ngợi vì rất nhiều công việc cực kỳ tốt đã được thực hiện. Nếu bạn nhìn vào chỉ số phát triển con người, khi nhìn vào các chỉ số như việc trao quyền cho phụ nữ và thu nhập thực sự khá tốt và khá mạnh so với các quốc gia khác. Tôi thực sự tự tin rằng giai đoạn tiếp theo, việc bình đẳng giới hoàn toàn sẽ đạt được.

Để đạt tới bình đẳng giới hoàn toàn như bà nói, những vấn đề nào cần được giải quyết?

Bà Caitlin Wiesen: Tôi nghĩ rằng có nhiều cách khác nhau mà chính phủ Việt Nam có thể tiến hành thúc đẩy điều này nhưng cũng cần có một số thay đổi trong thái độ, chuẩn mực, hành vi và điều đó có thể mất thời gian. Cần phải thay đổi cách mọi người nhìn nhận và đánh giá phụ nữ. Vẫn còn nhiều điều cần cải thiện hơn nữa nhưng tôi nghĩ điều cần khen ngợi là sự cam kết ở mức độ cao nhất thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ.

Vậy UNDP sẽ làm gì để hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian này và trong tương lai thưa bà?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vô cùng ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn những người thuộc dân tộc thiểu số có cuộc sống vô cùng khó khăn, những người khó tiếp cận về mặt địa lý. Và nhiều người trong số họ là phụ nữ. UNDP sẽ luôn để ý tới những đối tượng như vậy.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận nhóm đối tượng này? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ phát triển để họ đóng góp và hưởng lợi hoàn toàn từ sự phát triển đó?

Chúng tôi nhận thấy rằng, lý do cho đời sống kém phát triển của nhóm đối tượng này là do địa hình và cơ sở vật chất. Nơi ở khó tiếp cận, đường đi khó khăn, giao thông không thuận tiện. Bên cạnh đó, một số người muốn tôn trọng văn hóa riêng của họ, họ thấy không cần thiết phải tham gia vào quá trình kinh doanh mới, quá trình khác với những gì họ làm thường ngày. Vì vậy, chúng ta cần một cách tiếp cận đặc biệt được thiết kế dành riêng cho họ.

UNDP đã và đang xem xét các phương pháp để gây dựng sự tin tưởng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chúng tôi muốn mang đến cho họ, đặc biệt là cho phụ nữ, công nghệ 4.0, giới thiệu về thương mại điện tử, cung cấp các nền tảng để bày bán sản phẩm của mình. Tạo điều kiện để họ có thể sử dụng những công nghệ đó để tiếp cận và hòa nhập hơn với cộng đồng. Đồng thời, chỉ cho họ thấy những sản phẩm hữu cơ được sản xuất tại địa phương có thể thu được lợi nhuận tốt hơn trên thị trường.

Đó là một số cách mà UNDP đang thực hiện để tạo sự gắn bó với cộng đồng đối tượng kể trên. Tôi nghĩ rằng, việc đem lại sự phát triển thực sự cho những người phụ nữ có điều kiện thấp hơn để họ có thể trang trải đầy đủ cho bản thân, cho gia đình và cho sự phát triển của Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Xin cảm ơn bà!