VNIndex giảm 6% sau khi dịch Covid-19 lan rộng

Trần Anh - 11:46, 09/03/2020

TheLEADERVNIndex trong phiên giao dịch đầu tuần đã thủng mốc kháng cự 850 điểm, đà bán tháo diễn ra trên toàn thị trường với hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm

Phiên giao dịch ngày 9/3 là phiên giao dịch đầu tiên sau khi Hà Nội công bố bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên. Không ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư, ngay từ đầu phiên, áp lực bán tháo đã diễn ra trên toàn thị trường. Hàng loạt cổ phiếu trong VN30 đều giảm sâu, thậm chí nhiều mã cổ phiếu như BID, MWG, SSI, VRE,… đều "trắng bên mua".

Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng diễn biến khá tiêu cực với các cổ phiếu như GAS, PVD, PVS đồng loạt giảm sàn. Triển vọng kinh tế toàn cầu kém sắc khiến giá nhiên liệu đồng loạt giảm trong phiên giao dịch tối qua, qua đó tác động tiêu cực đến cổ phiếu ngành dầu khí.

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là một trong những mã lớn hiếm hoi bật tăng 4,4% lên 56.800 đồng/ cổ phiếu. Một số nhà đầu tư đang có kỳ vọng thói quen tích trữ mỳ sẽ giúp Masan được hưởng lợi trong thời gian tới. Mặc dù vậy, trước áp lực của thị trường, MSN cũng mất dần sức hút và quay về quanh đầu giảm điểm.

Trong khi đó, một số cổ phiếu ngành dược đang đi ngược thị trường, như cổ phiếu DNM tăng 8,1%, CDP tăng 5,9%, LDP tăng 4,3%, SPM tăng 3,5%, DVN tăng 3,4%.

VNIndex giảm 6% sau khi dịch Covid-19 lan rộng ở Việt Nam
Bản đồ nhiệt thị trường khi kết thúc phiên giao dịch sáng 9/3. Nguồn: FiinTrade

Chỉ số VNIndex giảm 51,6 điểm, tương ứng 6% về 840 điểm khi kết thúc giao dịch sáng nay. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh so với các phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.570 tỷ đồng. Việc VNIndex thủng mốc kháng cự 850 điểm dự báo sẽ tạo diễn biến tiêu cực cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Riêng trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng ở mức tương đương tuần trước và đạt 963 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 34,5 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, đà bán ròng của khối ngoại đã giảm đi đáng kể, thậm chí có thời điểm, khối ngoại đã quay lại mua ròng.

Thị trường trong nước đồng điệu với thị trường chứng khoán quốc tế. Chỉ số Dow Jones future giảm hơn 1.200 điểm (-4,9%), các chỉ số chứng khoán Châu Á như Nikkei 225 đang giảm gần 6%, Sanghai Composite giảm 2%, Hang Seng giảm 4,37%, KOSPI giảm hơn 4%.

Giá dầu Brent tương lai sáng nay giảm 9,95 USD, tương đương 22%, xuống 35,32 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai cùng thời điểm giảm 8,99 USD, tương đương 21,8%, xuống 32,29 USD/thùng. Đây là mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1991, thời điểm cả hai loại dầu đều mất giá hơn 30%.