Vốn FDI 'hụt hơi' trong tháng đầu năm 2018

Tiêu Phong - 18:31, 29/01/2018

TheLEADERTổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong tháng 1/2018 đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn FDI 'hụt hơi' trong tháng đầu năm 2018
Nam Định xếp thứ 2 về thu hút đầu tư trong tháng 1/2018.

Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/1/2018, Việt Nam thu hút được 166 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 64,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. 

Có 61 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 456,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2018 ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng 1/2017. 

Cũng trong tháng 1/2018 có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 199,1 triệu USD và 203 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 156,9 triệu USD.

Vốn FDI của các dự án cấp mới trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 330,6 triệu USD, chiếm 74,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; 

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60 triệu USD, chiếm 13,5%; các ngành còn lại đạt 52 triệu USD, chiếm 11,8%. 

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2018 đạt 746,8 triệu USD, chiếm 83% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60 triệu USD, chiếm 6,7%; các ngành còn lại đạt 92,6 triệu USD, chiếm 10,3%. 

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 162,2 triệu USD, chiếm 45,6% tổng giá trị góp vốn; ngành ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 60,7 triệu USD, chiếm 17%; các ngành còn lại đạt 133,1 triệu USD, chiếm 37,4%.

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư FDI được cấp phép mới trong tháng 1/2018, trong đó TP. HCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 86,2 triệu USD, chiếm 19,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. 

Tiếp đến là Nam Định 80,2 triệu USD, Ninh Thuận 60 triệu USD, Bình Dương 36,7 triệu USD, Long An 35,2 triệu USD, Bắc Giang 27,3 triệu USD, Hà Nội 25,7 triệu USD... 

Trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2018, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 147,7 triệu USD, chiếm 33,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp đến là Hàn Quốc 70,4 triệu USD, chiếm 15,9%. Na Uy đứng thứ 3 với 70,1 triệu USD. Thứ tự tiếp theo lần lượt thuộc về Quần đảo Vigin thuộc Anh, Trung Quốc, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc).

Một số dự án lớn được cấp phép trong tháng 1/2018 gồm dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.

Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.

Dự án nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Nam Định.

Dự án Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam cấp phép ngày 19/01/2018, tổng vốn đầu tư 70 triệu USD do nhà đầu tư Na Uy đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh.