Vòng luẩn quẩn trong lựa chọn ứng phó với Covid-19

Minh Nhật - 09:46, 23/03/2020

TheLEADERCác quốc gia không chỉ gặp khó khăn trong lựa chọn con đường ứng phó với dịch Covid-19 đang bùng phát khó lường mà còn "đau đầu" tìm cách giải quyết những kết quả không mong muốn trong tương lai.

Suốt bảy tuần qua, những con đường lớn trên khắp các thành phố của Trung Quốc hầu như không có bóng người qua lại. Dịch Covid-19 bùng phát khiến chính phủ nước này buộc phải tung ra các yêu cầu hạn chế. Hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa và chỉ có bóng dáng của những người công nhân phun thuốc sát khuẩn trên đường phố.

Ước tính có khoảng 780 triệu người Trung Quốc chỉ ở trong nhà suốt nhiều tuần liền trong khoảng thời gian quốc gia này tiến hành phong tỏa. Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ hay El Salvador cũng đang thực hiện những biện pháp tương tự và Mỹ, Anh thậm chí yêu cầu người dân ở yên tại nhà.

Chiến lược cách ly cộng đồng dường như đã phát huy hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại Trung Quốc nhưng quốc gia này cũng phải trả một cái giá rất đắt.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có cú lao dốc lịch sử trong hai tháng đầu năm khi sản xuất công nghiệp giảm 13,5% và sản xuất dịch vụ giảm 13%. Doanh số bán lẻ giảm tới 20,5%, theo dữ liệu từ Pantheon Macroeconomics đưa ra hôm 16/3.

Nikkei trong báo cáo đầu tháng này cho biết chỉ số hoạt động kinh doanh của Trung Quốc đã giảm hơn 25 điểm, từ 51,8 trong tháng 1 xuống 26,5 trong tháng 2, đánh dấu sự sụt giảm kỷ lục trong hoạt động kinh doanh suốt 14 năm qua kể từ khi khảo sát bắt đầu.

Sự sụt giảm này được ghi nhận do những hạn chế mà chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19, thể hiện qua số lượng đơn hàng mới giảm với tốc độ kỷ lục, sụt giảm số lượng nhân viên dẫn tới tồn đọng công việc.

Không chỉ vậy, niềm tin kinh doanh rơi xuống mức thấp nhất vào tháng trước. Việc dự báo cũng thận trọng hơn do mức độ không chắc chắn lớn hơn vì dịch bệnh.

Vòng luẩn quẩn trong lựa chọn ứng phó với Covid-19
Thế giới đang rơi vào tình trạng phong tỏa khi ngày càng nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Ảnh: Reuters.

“Tôi cho rằng mọi quốc gia sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa sức khỏe và tác động kinh tế và chắc chắn cả hai sẽ chịu tác động nặng nề”, Business Insider dẫn lời TS. Ben Cowling, người đứng đầu Trung tâm hợp tác về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Đại học Hồng Kông.

Thế nhưng không phải quốc gia nào cũng chọn cách đi giống Trung Quốc ngay từ đầu. Khi nước Anh ghi nhận hơn 500 ca nhiễm Covid-19 và ngay cả bộ trưởng y tế nước này xác nhận dương tính, trường học và các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường cũng như những sự kiện tập trung đông người vẫn được phép diễn ra.

“Quyết định của nước Anh ở phía ngược lại. Vương quốc này có một triết lý khác khi thường đưa kinh tế vào việc tính toán những chính sách y tế công cộng”, ông Cowling phân tích.

Lựa chọn của các quốc gia, bao gồm cấm du lịch, đóng cửa trưởng học hay xét nghiệm rộng rãi, nằm đâu đó giữa con đường của Trung Quốc và Anh. Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ đã hạn chế người dân ra khỏi nhà và một số quốc gia thậm chí yêu cầu phải có sự chấp thuận từ chính phủ mới được rời khỏi nhà.

Đức mới đây tuyên bố cấm các cuộc tụ tập nơi công cộng trong vòng hai tuần tới trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh hay Ấn Độ ban hành lệnh giới nghiêm kéo dài tới 14 tiếng trong ngày Chủ Nhật và thậm chí một số khu vực đã tuyên bố ngừng hoạt động hoàn toàn. Một số bang tại Mỹ cũng thực hiện các biện pháp tương tự sau khi nước này chứng kiến lượng người nhiễm tăng vọt.

Theo thống kê của Worldometers, Tây Ban Nha, Mỹ đang nổi lên là những khu vực bùng nổ dịch mới với hàng nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày, nâng tổng số người nhiễm lên mức 26.000 – 28.000 người, đứng thứ 3 và 4 thế giới.

Sau sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm mới, nước Anh hiện là nơi đứng thứ 10 thế giới về tổng số ca nhiễm, buộc quốc gia này phải chuyển sang phương pháp cách ly.

Thông tin từ AFP cho biết chính phủ Anh vừa qua đã đề nghị khoảng 1,5 triệu người có sức khỏe kém – những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất – nên ở nhà ít nhất 12 tuần. Đây là nhóm đối tượng có các bệnh lý nền như ung thư xương, ung thư máu, xơ nang và cả những người đã ghép tạng.

Chính phủ nước này cũng yêu cầu các quán cafe, quán rượu, quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ đêm, nhà hát cũng như trung tâm giải trí đóng cửa từ ngày 20/3 nhưng vẫn cho phép cung cấp dịch vụ giao hàng tới nhà.

Trước đó, người dân Anh đã bỏ qua khuyến cáo tránh tụ tập đám đông khi hàng nghìn người không đeo khẩu trang tập trung trong buổi biểu diễn của một ban nhạc hồi giữa tháng này.

Sự thay đổi diễn ra sau khi một báo cáo từ Đại học hoàng gia Luân Đôn cho rằng nửa triệu người tại Anh có thể bị mất mạng bởi dịch Covid-19 nếu không có các biện pháp như trên. Báo cáo cũng đánh giá các biện pháp phòng ngừa cần thiết như vậy sẽ là một sự đánh đổi kinh tế rất lớn.

“Sự đàn áp, áp chế vốn thành công cho đến nay tại Trung Quốc và Hàn Quốc tạo ra chi phí kinh tế và xã hội to lớn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và sự thịnh vượng trong ngắn hạn và dài hạn”, báo cáo phân tích.

Nhóm tác giả trong bài viết trên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hồi giữa tháng đánh giá trên thực tế, việc cách ly xã hội vốn được thực hiện thành công bởi một số thành phố trong đại dịch cúm năm 1918 hiện là cách thức phòng thủ tốt nhất trước tác động lan rộng từ Covid-19.

"Chúng ta không còn hy vọng có thể ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của vi rút. Chúng ta cũng chẳng thể chờ đợi sự phát triển của vắc xin mà tới 18 tháng nữa mới có hay lãng phí tài nguyên trong quá trình theo dõi”

“Trọng tâm hiện nay là phải làm phẳng đường cong sự lay lan của vi rút, giảm ảnh hưởng của dịch bệnh tới hệ thống chăm sóc sức khỏe. Cách hiệu quả nhất để làm như vậy là thông qua cách ly xã hội, bao gồm hạn chế đi lại và hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn như các buổi hòa nhạc, hội nghị, và cả các lớp học đại học", người đứng đầu trường y tế công cộng The Harvard T. H. Chan School of Public Health Michelle A. Williams nhận định.

Không sự lựa chọn nào là hoàn hảo

Tác giả Morgan McFall-Johnsen trên Business Insider đánh giá rằng hiện không có bất kỳ lựa chọn nào hoàn hảo. Nếu chính phủ không làm gì để ngăn chặn Covid-19, các bệnh viện sẽ rơi vào quá tải và hàng trăm nghìn người có nguy cơ tử vong. Nhưng các biện pháp cách ly quy mô lớn được thực hiện đồng nghĩa việc nền kinh tế sẽ được gạt sang một bên.

Ông Cowling đánh giá rằng làm chậm quá trình lây bệnh là điều quan trọng với ưu tiên số một là sức khỏe con người. Thế nhưng, duy trì hoạt động kinh tế cho một khu vực cũng phải cân nhắc bởi nếu mọi người mất việc và không kiếm được tiền, sức khỏe lâu dài của họ cũng bị ảnh hưởng.

Dù trong trường hợp nào, nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng và mức độ phụ thuộc vào cách các chính phủ lựa chọn giải quyết làn sóng lây nhiễm xảy ra sau khi dỡ lệnh phong tỏa giai đoạn đầu. Do vậy, khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ, không ít lo ngại về việc các ca lây nhiễm tăng trở lại, và buộc chính phủ lại phải đóng cửa doanh nghiệp.