World Bank khuyến nghị các biện pháp giải toả áp lực lạm phát

Phương Anh - 18:15, 13/06/2022

TheLEADERWorld Bank mới đây tiếp tục cảnh cáo rủi ro lạm phát với Việt Nam, và khuyến nghị các biện pháp hỗ trợ tạm thời, đơn cử như hỗ trợ trực tiếp giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong đánh giá mới nhất nhận định nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến căng thẳng quân sự kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Mặc dù vậy, các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Rủi ro này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

World Bank khuyến nghị Việt Nam nên cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu, nhằm giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

“Do cú sốc giá hàng hóa thế giới dường như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải, nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc, để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát”, tổ chức này nêu rõ.

Liên quan đến đến các biện pháp tháo gỡ khó khăn do nhiên liệu tăng giá, Bộ Tài chính vừa qua đã có công văn về việc xem xét, quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng đất cảng nước, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các dịch vụ vận tải.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV gửi đại biểu Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký, nêu rõ các giải pháp tài khóa triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2022 như giảm thuế VAT từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu và cả năm 2022.

Tuy nhiên, diễn biến giá các mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục có xu hướng leo thang khó lường khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát có phần lung lay.

Ngoài các biện pháp trên, World Bank cũng khuyến nghị Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung.

Cùng với đó, khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn, và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.

Trả lời phỏng vấn TheLEADER gần đây, ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Việt Nam, cũng lưu ý việc trả giá cao hơn cho yếu tố năng lượng sẽ ảnh hưởng lên nhiều mặt của nền kinh tế, từ đó gia tăng áp lực với lạm phát.

Do đó, việc tự cung tự cấp dựa trên lợi thế sở hữu nhiều nguồn năng lượng trong nước có thể được xem là một trong các biện pháp.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV trong báo cáo về triển vọng thị trường tài chính Việt Nam đánh giá kinh tế Việt Nam 2022 phải đối mặt với bốn rủi ro, thách thức nội tại.

Những rủi ro này bao gồm áp lực giá cả, lạm phát đang gia tăng; hoạt động bán lẻ và dịch vụ phục hồi, song sức cầu vẫn còn yếu; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng; và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

Trong khi đó, triển vọng phục hồi phụ thuộc vào ba yếu tố chính, bao gồm thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch; thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 – 2023; và giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraina.

Dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam có thể ở mức 5,5 – 6% ở kịch bản cơ sở, hoặc có thể chạm ngưỡng 6,5% với kịch bản tích cực.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ.

Theo đó, một trong các mục tiêu là tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ước tính, các biện pháp hỗ trợ này có tổng quy mô ở mức 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD (hay 0,5% GDP), và có hiệu lực đến cuối năm 2023.