World Bank nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam thêm 0,3%

Hoài An - 13:48, 04/10/2018

TheLEADERTốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới nâng lên mức 6,8%, trở thành một trong số ít quốc gia được nâng triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

Theo ấn bản tháng 10/2018 của Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Dương có tên “Chèo lái qua bất ổn” được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố mới đây, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 so với con số 6,5% được tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.

Trong hai năm tới, World Bank (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại với tốc độ lần lượt là 6,6% và 6,5% do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chậm lại theo chu kỳ.

Cải cách tiếp tục mang lại thành quả

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tăng trưởng cao dẫn đến tạo việc làm và tăng thu nhập, đem lại những thành quả chung về phúc lợi và giảm nghèo.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018. Tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt, đứng đầu là ngành chế tạo chế biến với mức tăng khá vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài.

Sản lượng ngành nông nghiệp cũng vươn lên đạt mức tăng trưởng 3,9% chủ yếu do kết quả tốt ở lĩnh vực thủy sản định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 6,9% nhờ lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng mạnh trên cơ sở tiêu dùng tư nhân tăng cao và ngành dịch vụ du lịch đạt mức tăng kỷ lục.

Hoạt động tạo việc làm đã và đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam đã tạo ra trên 900 nghìn việc làm trong năm 2017; còn mức lương thực tế tăng 4,3% do nhu cầu lao động vẫn đang phát sinh mạnh tại các ngành chế tạo, chế biến, xây dựng và dịch vụ.

GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố, WB nhận định.

Những cảnh báo

Tuy nhiên, WB cho rằng mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn cao, khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước, có thể dẫn đến những bất cân đối về phân bổ tín dụng và đầu tư rủi ro, gây ra tình trạng suy giảm chất lượng tài sản.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bên trong lẫn bên ngoài.

Nhìn từ trong nước, tiến trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN chậm lại có thể tác động bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước.

Những rủi ro bên ngoài bao gồm chủ nghĩa bảo hộ leo thang, bất định địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu tăng lên, các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với nguy cơ như trên.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Sudhir Shetty cho rằng: “Hội nhập khu vực và toàn cầu khiến cho nhiều nền kinh tế trong khu vực dễ bị tổn thương hơn với những cú sốc bên ngoài”.

“Những rủi ro chính đối với duy trì tăng trưởng bền vững bao gồm chủ nghĩa bảo hộ leo thang, biến động trên thị trường tài chính tăng lên, kết hợp với tình trạng tài chính và ngân sách trong nước dễ tổn thương”, chuyên gia này nhận định.

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nhận định:"Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải cảnh giác và chủ động tăng cường khả năng chống chịu và đương đầu của quốc gia”.

GDP của khu vực được dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2018, thấp hơn so với năm trước do sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.