Xuất khẩu gạo trong mùa đại dịch: Nên dừng hay không?

An Chi - 10:48, 27/03/2020

TheLEADERTrước nguồn cầu lúa gạo trên thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam có nên tranh thủ xuất khẩu hay để lại dự trữ đề phòng thiếu hụt trong nước? Dưới đây là ý kiến của các bên liên quan về vấn đề này.

Xuất khẩu gạo trong mùa đại dịch: Nên dừng hay không?
Vụ Đông Xuân vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lớn nhờ gieo sạ sớm, tránh được hạn mặn.

Những tranh luận về việc xuất khẩu gạo bùng lên trong thời gian gần đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo đó, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo dừng đăng ký tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu sau 0h cùng ngày. Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mặc dù ngay chiều cùng ngày, Bộ Công thương đã có văn bản hoả tốc đề nghị Thủ tướng cho hoãn quyết định trên, song những ý kiến trái chiều về việc có nên tiếp tục xuất khẩu gạo hay không vẫn đang rất nóng trong dư luận.

Một số ý kiến cho rằng, dừng xuất khẩu gạo hiện nay là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh thế giới nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19. Trong khi ở chiều ngược lại, nhiều quan điểm cho rằng, việc tạm dừng xuất khẩu gạo là không hợp lý.

Thực chất, các ý kiến ủng hộ việc dừng xuất khẩu gạo không phải không có cơ sở khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến người dân đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực.

Mới đây, Kazakhstan – một trong những nước xuất khẩu bột mỳ lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu sản phẩm này cùng cà rốt, đường và khoai tây. Trước đó, quốc gia này cũng đã dừng xuất khẩu các loại thực phẩm khác như kiều mạch và hành tây.

Serbia cũng đã cấm xuất khẩu dầu hướng dương và nhiều sản phẩm khác. Còn Nga, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới đang để ngỏ khả năng này và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Đáng chú ý, một số quốc gia khác như Trung Quốc lại đang tích cực bổ sung vào kho dự trữ lương tực chiến lược. Mặc dù là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới và chính phủ đã dự trữ gạo và lúa mì đủ cho một năm tiêu thụ nhưng quốc gia này vẫn đang ráo riết thu mua lúa gạo.

Bằng chứng là xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 đã đột nhiên tăng 595% về lượng và 724% về kim ngạch, trong khi hai năm trước đó vốn khá trầm lắng. 

Thị trường Iraq cũng nhập khẩu đáng kể gạo của Việt Nam, đạt 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD. Malaysia là thị trường nhập gạo lớn thứ ba của Việt Nam, tăng mạnh 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Trước các động thái đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhất là trong bối cảnh mặc dù xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới nhưng an ninh lương thực trong nước chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình do ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến an ninh lương thực quốc gia để bàn các giải pháp đảm bảo lương thực trong mùa dịch. Theo đó, Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19, “thị trường nhốn nháo, người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khẳng định, việc bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống là rất quan trọng. Đây là mặt hàng chính yếu, “đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược”.

Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà trong cuộc họp với Chính phủ ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, cũng chính ông lại kiến nghị Thủ tướng cho phép hoãn áp dụng dừng xuất khẩu gạo. Lý do được Bộ Công thương đưa ra là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp

Nói rõ hơn về quyết định "tiền hậu bất nhất" này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20 - 25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo.

Đứng trước tình hình đó, Bộ Công thương đánh giá nếu như việc xuất khẩu gạo cứ diễn tiến với tốc độ này Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Vì vậy bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có đưa ra hai phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án hai xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.

"Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi nhận được ý kiến từ một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công thương có được với số liệu thực tế họ có. Do đó, Bộ đã ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết rồi sau đó mới quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không", ông Hải cho biết.

Cần có lộ trình phù hợp

Nhận định về việc nên hay không nên dừng xuất khẩu gạo, TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách nông nghiệp Việt Nam nhớ lại năm 2008, khi giá gạo thế giới tăng cao chóng mặt, giá gạo trong nước cũng tăng thêm 36%. Ở thời điểm đó, Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, khi cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp, giới kinh doanh mới nhận ra rằng, Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với giá tốt và khối lượng lớn. 

Mặt khác, theo ông Thành: "Gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3 - 4 tháng. Việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã khiến chúng ta đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo lẫn các nhà xuất khẩu".

Do đó, theo vị chuyên gia này, trước nguồn cầu lúa gạo của thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ đón ít nhất là sóng đầu tiên. Việt Nam cần bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận.

Giá cả và nhu cầu lúa gạo của thế giới có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4 - 5, ngành xuất khẩu nên chủ động đi theo con sóng đó. Tất nhiên giá trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo. Nhưng việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. 

Trong trường hợp việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng trong mùa sau do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), thì lúc đó mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu. 

Ông Thành cho rằng, xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay là một cơ hội tốt. Nó không chỉ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi trong mùa dịch, mà còn cải thiện vị thế của quốc gia như một nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục quan sát, theo dõi thị trường và ra những quyết định theo lộ trình bài bản, bình tĩnh, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, chia sẻ với báo chí, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời điểm này là không cần thiết. Bởỉ vụ Đông Xuân vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lớn nhờ gieo sạ sớm, tránh được hạn mặn. Lượng lúa gạo trong dân và doanh nghiệp rất lớn, cần được giải phóng. 

Tổng kết vụ Đông Xuân vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho biết, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo và phải xuất khẩu được mới có kho để thu mua các vụ tiếp theo. Hơn nữa, Việt Nam cũng sẽ không thiếu gạo vì dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. 

Mặt khác, theo ông Bình, việc dừng xuất khẩu gạo chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa. Điều này sẽ khiến giá lúa gạo giảm mạnh, nông dân rơi vào tình cảnh được mùa mất giá. Còn doanh nghiệp cũng sẽ chịu gánh nặng do vốn vay ngân hàng. Các đơn hàng đến hạn không thể giao cho đối tác nước ngoài sẽ phải bồi thường rất lớn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng nhận định, trong tình hình dịch bệnh khó lường, chiến lược an ninh lương thực Quốc gia phải đặt lên hàng đầu là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, việc dừng xuất khẩu gạo cần có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện các hợp đồng đã ký, làm việc với thương lái gom gạo và có kế hoạch trả lãi vay ngân hàng.

Nếu dừng xuất khẩu gạo một cách đột ngột, hệ lụy đối với các doanh nghiệp, người nông dân trồng lúa và cả nền kinh tế sẽ là rất lớn.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không dừng việc xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Các hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi Thủ tướng nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.