Xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ giảm mạnh, khó hồi phục trong năm nay

Phương Anh - 11:24, 10/05/2023

TheLEADERTheo dự báo, nhu cầu với ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng giảm tới gần 1/3 so với tháng 4/2022.

Tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt gần 3,9 tỷ USD, giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 2,6 tỷ USD, giảm tới gần 40%.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết thêm về mặt hàng, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý I/2023, với tỷ trọng gần 60%.

Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Thị trường chính của đồ nội thất bằng gỗ là châu Mỹ, theo sau là châu Á, châu Âu.

Xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ giảm mạnh, khó hồi phục trong năm nay
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Theo VIFOREST, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao, tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, kinh tế thế giới hồi phục chậm.

Ngoài ra, sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ, tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được nhận định cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Không chỉ vậy, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp.

Ngành gỗ còn đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Hiện tại, chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong năm 2023, VIFOREST nhận định.

Trong báo cáo ngành gỗ, VnDirect nhận định nhu cầu với ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.

Theo Hiệp hội các nhà xây dựng nhà quốc gia của Mỹ, doanh số bán nhà cho một hộ gia đình sẽ giảm tới hơn 25% trong năm 2023 so với cùng kỳ, trước khi tăng trở lại vào năm 2024.

Trong khi đó, Forest Economic Advisors dự đoán nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3% vào năm 2023, do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra.

VnDirect đánh giá ngành gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn nửa giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam năm 2022 đến từ thị trường Mỹ, trong khi triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở.

Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình tăng hơn 10% so với cùng kỳ trong quý IV/2022. Điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm gần 50% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023. 

Xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ giảm mạnh, khó hồi phục trong năm nay 1
Doanh số bán nhà tại Mỹ giảm đáng kể.

Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, tại hội nghị với Thủ tướng giữa tháng trước, đại diện VIFOREST kiến nghị cần có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 – 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.

Cùng với đó, cần có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.

Đại diện cũng đề nghị xem xét quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các nhà xưởng, do tính đặc thù trong sản xuất, chế biến của ngành đồ gỗ.

Về chính sách thuế, đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, hiện Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đại diện VIFOREST, đại đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, hiệp hội kiến nghị xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, VIFOREST kiến nghị sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng (hiện tại không có), để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.

Các bộ, ngành cần hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm.

VIFOREST cũng mong muốn thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp.

Cùng với đó, đề nghị các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.