Xuất khẩu tôm tăng tốc nửa đầu năm, vẫn khó đạt mục tiêu 4 tỷ USD
Xuất khẩu tôm tăng mạnh trong quý I và được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong quý tiếp theo khi các nhà mua hàng Mỹ tích cực trữ hàng.
Triển vọng xuất khẩu tôm thời gian tới vẫn còn nhiều ẩn số, đòi hỏi các doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tận dụng các hiệp định.
CTCP Thực phẩm Sao Ta trong cập nhật hoạt động mới đây cho biết, trong tháng 4/2025, doanh nghiệp đã tăng tốc xuất khẩu các đơn hàng xuất Mỹ trong đợt hoãn thuế đối ứng 90 ngày. Kết quả là doanh số chung đạt hơn 23,8 triệu USD, tăng tới 46% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất tôm thành phẩm và tiêu thụ tôm thành phẩm cũng tăng đáng kể so với tháng 4 năm ngoái.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, nhận định, “mây đen” với ngành tôm Việt Nam hiện là việc Mỹ dự kiến áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngành tôm có phần bất lợi hơn vì mức thuế với sản phẩm này từ các nước đối thủ thấp hơn nhiều.
“Trước mắt tập trung cho chế biến sản phẩm kịp thời giao hàng để tới cảng Mỹ trước ngày ân hạn thuế (9/7)”, ông Lực cho biết trong bài viết trên website của Sao Ta. Ông tính toán, trừ ngày tàu chạy và dự phòng rủi ro tàu chậm trễ, “chắc chỉ còn nửa tháng để hoàn tất cuộc chạy đua này, nghĩa là chỉ trong đầu nửa tháng 5; nếu tàu tới bờ tây thì có thể kéo dài hơn”.
Theo đó, mốc 20/5 là thời điểm các doanh nghiệp ngưng xuất hàng tới bờ Đông nước Mỹ để tránh rủi ro hàng tới cảng sau ngày 9/7 cho tới khi có mức thuế đối ứng chính thức từ Mỹ.
Ngoài Sao Ta, không ít doanh nghiệp cũng gấp rút xuất khẩu tôm sang Mỹ, tận dụng thời gian tạm hoãn thuế. Bằng chứng là dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, riêng trong tháng 4, xuất khẩu tôm qua thị trường này tăng tới 25% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ cán mốc 193 triệu USD, tăng 15%.
Tuy nhiên, Vasep lưu ý, đà tăng của xuất khẩu tôm Việt Nam liệu có duy trì được lâu hay không còn chưa rõ ràng và phải chờ đợi quyết định chính thức từ Mỹ về chính sách thuế đối với các nước.
Tổ chức này cho biết thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ hiện đang tập trung cho các đơn hàng đang ký trước đó, có đơn vị thì nằm chờ, có đơn vị vẫn ký hợp đồng mới nhưng có những điều khoản để giải quyết khi mức thuế đối ứng được xác định.
Không chỉ vậy, có đơn vị chủ động dịch chuyển xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, khôi phục quan hệ với khách hàng cũ và cắt giảm chi phí sản xuất.
Có nhiều kịch bản được đặt ra về mức thuế đối ứng Mỹ dành cho Việt Nam. Theo Vasep, những đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Nguyên nhân là bởi thuế đối ứng của Bangladesh theo tuyên bố của phía Mỹ là 37%, Thái Lan 36%, Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%, tức thấp hơn mức 46%.
Điều này dẫn đến khả năng những quốc gia này sẽ được áp mức thuế thấp hơn 20%. Nếu kịch bản này xảy ra, thị phần và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ chắc chắn bị lung lay, Vasep nhận định.
Tuy vậy, Vasep cũng kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và tích cực nhất. Việt Nam vẫn đang từng bước đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hoá; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Vasep trong báo cáo ngày 26/5 nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Anh, Đài Loan, Thụy Sỹ, thể hiện phần nào sự chuyển hướng thị trường của các doanh nghiệp tôm trong bối cảnh lo ngại “bão thuế” từ Mỹ.
Với kim ngạch đạt 389 triệu USD (tăng 103%) trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam với gần 30% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm này. Mức tăng trưởng ba con số tại thị trường này là nhờ doanh số bán tôm hùm tăng mạnh.
Nhu cầu thủy sản, trong đó có tôm, tại Trung Quốc có thể thay đổi tích cực sau khi nước này mới đây đã công bố Hướng dẫn phát triển thực phẩm và dinh dưỡng giai đoạn 2025 – 2030, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng khẩu phần ăn thông qua tiêu thụ thực phẩm giàu protein.
Hướng dẫn mới này không chỉ nhấn mạnh vai trò của protein, mà còn đề xuất các chính sách nhằm tăng tiêu dùng cá và thủy sản – bao gồm việc tích hợp các sản phẩm này vào chương trình bữa ăn học đường, từ đó có thể thúc đẩy đáng kể nhu cầu thủy sản trong đó có tôm tại thị trường này.
Về lâu dài, các sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình như cá tra, tôm cỡ trung bình và nhỏ sẽ được nước này tăng cường nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc có xu hướng chững lại, kể cả từ hai nguồn cung lớn nhất cho thị trường này là Ecuador và Ấn Độ.
Nguyên nhân là do hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, sản lượng tôm nuôi trong nước tăng mạnh và sự cạnh tranh từ nhiều loại hải sản phổ biến khác trong ẩm thực Trung Quốc. Xu hướng của người tiêu dùng Trung Quốc cũng không ổn định và khá nhạy cảm với áp lực kinh tế vĩ mô.
Với EU, đây tiếp tục là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam nhờ tính ổn định cao, phần lớn do xu hướng tiêu dùng tôm tại nhà, không phụ thuộc vào dịch vụ nhà hàng nên ít bị ảnh hưởng về giá và biến động thị trường.
Với Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang nước này đạt 169 triệu USD (tăng 20%). Đây là thị trường truyền thống và có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.
Vasep khuyến nghị, trong bối cảnh thuế từ Mỹ, các doanh nghiệp nên quan tâm hơn tới thị trường Nhật, đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận như tăng đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu, phát triển dòng sản phẩm “chuẩn Nhật” và cải thiện truyền thông thương hiệu.
Xuất khẩu tôm dù ghi nhận phục hồi nhưng triển vọng vẫn còn nhiều ẩn số. Theo Vasep, tái cơ cấu chiến lược tiếp cận thị trường, trọng tâm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng và ưu đãi thuế quan, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Doanh nghiệp cũng nên hướng tới khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và tính đến cả thị trường nội địa.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh trong quý I và được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong quý tiếp theo khi các nhà mua hàng Mỹ tích cực trữ hàng.
Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh hai tháng đầu năm nhưng ngành tôm tiếp tục đối diện không ít khó khăn.
Vasep kiến nghị loạt giải pháp nhằm duy trì xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh Mỹ thay đổi chính sách thuế, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ giảm đơn hàng và hàng tồn kho.
Ngành công nghiệp game Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế số, với doanh thu được dự đoán sẽ đạt 1,66 tỷ USD vào năm 2025, tiến tới chạm mốc 2,42 tỷ USD vào năm 2029.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ song phương, với cam kết thúc đẩy sớm phê chuẩn EVIPA và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học công nghệ...
Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân, khu vực từng đổi mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại, được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Những cuộc gọi lừa đảo hóa đơn điện, nước xuất phát từ thực trạng lọt, lộ dữ liệu cá nhân từ những thông tin cơ bản như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại.
Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức phải khắc phục bằng được tồn tại hạn chế để tiếp tục đầu tư, đi vào hoạt động cuối năm 2025, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo.
Triển vọng xuất khẩu tôm thời gian tới vẫn còn nhiều ẩn số, đòi hỏi các doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tận dụng các hiệp định.
Đà tăng mạnh của giá cổ phiếu CTX Holdings thời gian qua tạo thanh khoản thuận lợi để MBV từng bước thoái vốn khỏi doanh nghiệp.
Từ nay đến hết tháng 6/2025, Thaco Auto và BMW triển khai chương trình ưu đãi hấp dẫn lên đến 100% phí trước bạ cùng nhiều quà tặng phụ kiện, gói bảo dưỡng chính hãng dành cho khách hàng mua các dòng xe thuộc thương hiệu BMW.
Không ngừng sáng tạo và đổi mới, Tân Á Đại Thành tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong khi chính thức gia nhập thị trường thiết bị nhà bếp với sản phẩm đầu tay: Bếp từ đơn mâm từ bằng đồng ROSSI với chế độ “sôi liu riu” độc đáo - một giải pháp nấu nướng hiện đại, tinh tế và thiết thực cho mọi gia đình.
Ngành công nghiệp game Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế số, với doanh thu được dự đoán sẽ đạt 1,66 tỷ USD vào năm 2025, tiến tới chạm mốc 2,42 tỷ USD vào năm 2029.
Tìm hiểu EOS – hệ điều hành quản trị giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn, chuẩn hóa quy trình, giải quyết vấn đề và duy trì tăng trưởng bền vững
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ song phương, với cam kết thúc đẩy sớm phê chuẩn EVIPA và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học công nghệ...