Xúc tiến xuất khẩu vẫn 'chạy' trong đại dịch

Các Ngọc - 18:41, 25/06/2021

TheLEADERCác thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại đang tích cực phối hợp tổ chức các hình thức kết nối giao thương, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Sản xuất ra sản phẩm, ngoài nỗ lực tự quảng bá, tìm kiếm thị trường, để đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến thương mại (XTTM) trong nước. Những năm trước, hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương với nước ngoài diễn ra thường xuyên.

Từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng khắp thế giới, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã không thực hiện được như trước. 

Trong bối cảnh đó, các thương vụ, cơ quan XTTM vẫn tích cực phối hợp với nhau tổ chức các hình thức kết nối giao thương, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Nỗ lực đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Công ty LTP Import Export BV và siêu thị Thanh Hùng tổ chức chương trình “Vietnam fresh golden lychees – Taste it, love it” trong siêu thị Thanh Hùng, thành phố Spijkenisse (Hà Lan) nhằm quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam sinh sống tại đây. 

Gần 1 tấn vải thiều tươi Thanh Hà (Hải Dương) đã được nhập chính ngạch bằng đường hàng không đến Hà Lan từ giữa tháng 6 vừa qua.

Xúc tiến xuất khẩu vẫn “chạy” trong bối cảnh đại dịch
Thương vụ Việt Nam ở các nước đã kịp thời hỗ trợ xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam sang thị trường các nước - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan

Quả vải nhập khẩu lần này có gắn tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát triển làm tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam.

Bên cạnh kịp thời xúc tiến xuất khẩu cho quả vải - nông sản tươi vào thị trường Hà Lan, Thương vụ Việt Nam đã phối hợp với các sở công thương, trung tâm XTTM của các tỉnh, thành thông tin đến doanh nghiệp trong nước việc nhận tài liệu, catalogue, sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại phòng trưng bày của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan.

Cũng tại thị trường châu Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết doanh nghiệp Thụy Điển cần nhập khẩu một số loại hoa quả sấy khô như dứa, đu đủ, xoài, chuối, dừa; một số loại gia vị khô như quế, hồi, thảo quả, đinh hương, gừng. 

Doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung cấp, gửi hồ sơ giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm bằng tiếng Anh (trước ngày 10/7/2021) để thương vụ hỗ trợ kết nối giao thương cho doanh nghiệp.

Không để ngưng trệ việc quảng bá hàng Việt Nam khi doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan đang có sự quan tâm đến hàng Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã tích cực tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.

Xúc tiến xuất khẩu vẫn “chạy” trong bối cảnh đại dịch 1
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã tích cực xúc tiến cho hàng Việt Nam được bày bán nhiều ở siêu thị Thái Lan

Ngày 2/6/2021, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức cho doanh nghiệp Việt kết nối trực tuyến với hệ thống siêu thị của tập đoàn Central Group tại Thái Lan trong ngành thực phẩm và ngành vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ nội thất.

Với sự phối hợp của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia.

Sau khi đối chiếu với yêu cầu của đối tác ở Thái Lan, đã có 18 nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa của Việt Nam được tham gia giao thương trực tuyến, trong đó có 9 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và 9 doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đồ nội thất có năng lực cung ứng hàng hóa.

Tiếp theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với các đối tác tiếp nhận sản phẩm, catalogue của doanh nghiệp Việt Nam gửi sang và tổ chức trưng bày quảng bá hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại Central, tỉnh Udon Thani - Thái Lan (từ ngày 24/6 đến 27/6).

Quầy thông tin "Window to Vietnam" nằm trong khuôn viên phòng tiếp khách của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng là nơi thường xuyên trưng bày tài liệu, sản phẩm mẫu... cung cấp thông tin đến doanh nghiệp Thái Lan.

Tuy phải chịu sự cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Trung Đông – châu Phi dự báo khả quan bởi quy mô dân số khu vực Trung Đông ngày càng tăng, làm gia tăng đáng kể nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị.

Trên cơ sở khảo sát gần đây nhận thấy thị trường Ả-rập đang quan tâm một số mặt hàng đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, nông sản khô, hạt tiêu, cà phê chưa rang xay, cà phê hòa tan, thực phẩm, cá hộp, than củi, trầm hương, đá trắng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã tổ chức nhận hàng mẫu, hàng dùng thử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt quảng bá vào thị trường Ả-rập Xê-út và các địa bàn kiêm nhiệm.

Dành cho doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng mong muốn mở rộng thị trường Tunisia tại Châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến khai thác tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam – Tunisia 2021 vào ngày 30/6 tới cho khoảng 50 - 60 doanh nghiệp Việt Nam và Tunisia.

Cơ quan xúc tiến thương mại địa phương góp phần tích cực

Có thể thấy, các chương trình của Cục Xúc tiến thương mại hay của các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ không đến với doanh nghiệp kịp thời nếu như không có sự phối hợp truyền tải thông tin từ các cơ quan XTTM địa phương trong nước.

Đặc biệt, ITPC luôn được các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tin cậy làm đầu mối thu thập thông tin doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu kết nối giao thương của doanh nghiệp nước ngoài khi hoàn cảnh đại dịch Covid-19 chưa cho phép tổ chức giao thương trực tiếp, mà chỉ có thể kết nối trực tuyến hay thông qua việc gửi tài liệu, sản phẩm quảng bá.

Xúc tiến xuất khẩu vẫn “chạy” trong bối cảnh đại dịch 2
ITPC thường xuyên phối hợp với đại sứ quán, thương vụ thông tin cho gần 3.000 doanh nghiệp - Ảnh: Các Ngọc

Với cộng đồng Viber “ITPC – Thông báo sự kiện XTTM”, mỗi ngày khoảng 3.000 doanh nghiệp thành viên, không chỉ ở TP.HCM mà cả các tỉnh, thành phố khác nhận được thông tin các chương trình của nhiều thương vụ từ các nước, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. 

Phòng XTTM của ITPC cử chuyên viên chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp mỗi ngày để việc liên hệ của doanh nghiệp với các thương vụ được kịp thời.

Theo ông Hồ Hoàng Long, Trưởng phòng XTTM của ITPC, khi xác định đủ năng lực về sản xuất, cung cấp sản phẩm như nhu cầu của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ và đúng yêu cầu về tài liệu, hàng mẫu như đại sứ quán, thương vụ đã thông tin.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết doanh nghiệp gửi catalogue, video quảng bá bằng tiếng Anh và tiếng Thái; sản phẩm mẫu phải có cả nhãn mác bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Thái), đầy đủ thông tin hướng dẫn sử dụng đi kèm bằng tiếng Anh và tiếng Thái.

Với thực phẩm chế biến, doanh nghiệp muốn tham gia kết nối trực tiếp, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ưu tiên nhận các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út thì yêu cầu doanh nghiệp có website chính thức, có địa chỉ email và người đại diện giao dịch bằng tiếng Anh (kèm theo hộp danh thiếp), có catalogue, tóm tắt về doanh nghiệp kèm bản sao công chứng đăng ký kinh doanh (hoặc ghi rõ mã số doanh nghiệp); còn hàng cho khách dùng thử phải rõ thời hạn sử dụng trên bao bì.

Có thể thấy hoàn cảnh khách quan từ đại dịch Covid-19 gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả những hoạt động xúc tiến xuất khẩu trực tiếp vốn mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. 

Thế nhưng, tinh thần chung sức “giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu” từ các đại sứ quán, thương vụ và các cơ quan XTTM trong nước đã tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp vững tâm sản xuất và hướng tới nhiều thị trường nước ngoài.