Y tế tư nhân 'khó sống' với quy định của Bảo hiểm xã hội

Thu Phương - 10:00, 01/12/2017

TheLEADERTừ 1/1/2018, các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị Bảo hiểm xã hội dừng hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, không được khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

Y tế tư nhân 'khó sống' với quy định của Bảo hiểm xã hội
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ảnh DDDN

Bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “ Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp kết hợp với Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức, bà Phan Thị Hải, Phó trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh (Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) xác nhận, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để phân hạng bệnh viện tư nhân. Nếu áp dụng các tiêu chí phân hạng bệnh viện công vào bệnh viện tư thì không thể làm được.

Bà Hải cho biết, hiện vấn đề phân hạng bệnh viện tư nhân đang được thực hiện theo hướng: Tỷ lệ kỹ thuật loại 1, 2, 3, 4. Hiện lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu sẽ có cuộc họp do đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì để bàn các giải pháp giúp bệnh viện tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, vấn đề bức thiết đặt ra ở đây là nếu không có quyết định phân tuyến kỹ thuật, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng với Bảo hiểm xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, công văn của Bảo hiểm xã hội gửi đến các cơ sở y tế về việc ký bảo hiểm với các cơ sở y tế nêu rõ: Đối với các cơ sở y tế tư nhân phải có quyết định phân tuyến kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn cấp.

Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở y tế chưa có quyết định phân tuyến kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là từ 1/1/2018 các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, không được khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

“Trong khi đó, đây là vấn đề sống còn của các bệnh viện tư nhân. Làm như vậy chẳng khác nào giết chết doanh nghiệp, bởi hiện nay hơn 80% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế. Nếu không được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế xem như cơ sở khám chữa bệnh bị đóng cửa,”, bà Hiền nhấn mạnh.

Cơ sở y tế tư nhân có quyền khởi kiện cơ quan bảo hiểm

Nêu thực trạng về việc bất bình đẳng giữa y tế nhà nước và tư nhân trong vấn đề bảo hiểm, bà Ngô Minh Chiến, chủ Bệnh viện Đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) cho biết, trong hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm với các cơ sở y tế tư nhân, Bảo hiểm xã hội đã tự ý thêm bớt các điều khoản phụ lục hợp đồng của Thông tư 41 gây bất lợi cho cơ sở y tế tư nhân. 

"Điều này dẫn đến việc các cơ quan bảo hiểm tự ý dừng hợp đồng khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế tư nhân rất nhiều. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước chưa có cơ sở nào bị dừng hợp đồng. Đây là điều bất bình đẳng. Cơ quan bảo hiểm căn cứ vào đâu để đưa ra các quy định như vậy?”, bà Chiến đặt câu hỏi.

Cùng ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Văn Long, Phó giám đốc Bệnh viện Tư nhân 115 (Nghệ An) cũng cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế hiện tại không có điều khoản nào quy định cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Mặt khác, muốn thanh lý, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm xã hội thì phải đáp ứng cả hai điều kiện: có sự thoả thuận của hai bên và bảo đảm không làm gián đoạn việc khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế như quy định tại Điểm E Khoản 2, Khoản 3 Điều 25 Luật Bảo hiểm y tế và theo khoản 2 điều 8 mẫu hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tế có một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân bị cơ quan bảo hiểm xã hội tạm dừng hợp đồng, không tuân thủ theo các quy định của luật nêu trên, ông Long nhấn mạnh.

Nhìn dưới góc độ pháp lý về việc chấm dứt hợp đồng khám chữa bệnh của các cơ quan bảo hiểm đối với cơ sở y tế tư nhân, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, theo các văn bản, quy định mà cụ thể là hợp đồng khám chữa bệnh giữa cơ sở y tế và bảo hiểm y tế có thể thấy rõ, hợp đồng của bảo hiểm xã hội ký với bệnh viện công được phân bổ đầy đủ theo Thông tư 41 của Bộ Tài chính. 

Thế nhưng hợp đồng của Bảo hiểm xã hội ký với một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (phụ lục 04) đã được sửa đổi rất nhiều.

Cụ thể, với bệnh viện công, hợp đồng ghi rõ: Chỉ chấm dứt hợp đồng khi cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng được nhu cầu, phải báo trước 3 tháng và đảm bảo cho những người tham gia khám chữa bệnh ở nơi đó được chuyển bảo hiểm đi nơi khác.

Còn đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, một số hợp đồng đã dừng không cho khám chữa bệnh đột ngột. Sau đó còn tận dụng phương tiện truyền thông của xã, phường để thông báo Bảo hiểm xã hội đã dừng hợp đồng với cơ sở y tế tư nhân này, yêu cầu người khám chữa bệnh chuyển bảo hiểm sang cơ sở y tế khác.

“Cách làm này chẳng khác nào giết chết các cơ sở y tế tư nhân. Thực tế, dù đã có kiến nghị nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn, văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về vấn đề này. Quyền lợi hợp pháp của cơ sở y tế tư nhân vẫn đang bị xâm phạm. Vậy chúng ta sẽ kiến tạo thế nào để các cơ sở y tế tư nhân phát triển”, ông Truyền đặt câu hỏi.

Cũng theo luật sư Truyền, các cơ sở y tế phải xác định rõ đâu là hợp đồng mẫu. Việc tuân thủ hợp đồng mẫu là điều kiện tiên quyết và đã là hợp đồng mẫu thì không có sự phân biệt giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân.

Khi Bảo hiểm xã hội cố tình sửa đổi áp đặt các điều khoản so với hợp đồng mẫu thì bản thân bảo hiểm đã có những lỗi vi phạm rất rõ ràng. Các cơ sở y tế tư nhân có quyền khởi kiện lỗi vi phạm này.