Yêu cầu mới với nghề môi giới bất động sản

An Chi - 09:06, 17/03/2024

TheLEADERNhững quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ giúp thanh lọc, lành mạnh hoá hoạt động môi giới trên thị trường.

Yêu cầu mới với nghề môi giới bất động sản
Hiện cả nước có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: BHS

Quản lý chặt môi giới viên

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới bất động sản.

Điều 61 của luật quy định, cá nhân hành nghề môi giới phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản nhất định.

Trước đó, khoản 2 điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập, dẫn đến việc các cá nhân được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay.

Thêm vào đó, điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty, sàn giao dịch, mọi thù lao, hoa hồng môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng.

Đối với việc cấp chứng chỉ môi giới, hiện Bộ Xây dựng đã bắt đầu triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi.

Theo các chuyên gia, những quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông sẽ giúp thanh lọc, loại bỏ nhiều môi giới bất động sản không chuyên ra khỏi thị trường. Nhờ đó, môi trường kinh doanh bất động sản sẽ được lành mạnh, minh bạch.

Để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, việc ban hành các cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án là cần thiết. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch.

Việc giao dịch qua tài khoản cũng đồng thời giúp nhà nước chống thất thu thuế khi khoản hoa hồng của lực lượng này rất lớn. 

Đồng thời, đây cũng là để bảo vệ lợi ích của người hành nghề, khuyến khích môi giới làm nghề chân chính. Bởi để gắn bó lâu dài với thị trường, bên cạnh chứng chỉ hành nghề, môi giới còn cần kinh nghiệm, trải nghiệm và liên tục cập nhật kiến thức mới với những yêu cầu ngày càng khắt khe.

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, môi giới bất động sản đóng vai trò rất quan trọng trong ngành, là trung gian kết nối hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. 

Tuy nhiên, sau một thời gian hình thành và phát triển, dù có các quy định xử phạt, việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Việt Nam hiện khoảng 100 nghìn cá nhân môi giới đang hoạt động, làm việc chính thức tại các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Thậm chí, vào thời điểm thị trường “sốt nóng", cả nước có hàng triệu người tham gia kết nối thực hiện giao dịch, làm môi giới bất động sản. 

Tuy nhiên, trong số đó, chỉ khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề.

Hiện hầu hết môi giới là các cá nhân hành nghề tự do, “tay ngang", nghề “tay trái", không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào.

Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường.

Hậu quả là gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính, những người thực sự cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch, tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả và công bằng cho cả người mua và người bán.

Thách thức môi giới bất động sản cần vượt qua

Bên cạnh những mặt tích cực, quy định pháp luật mới về môi giới bất động sản cũng đặt ra thách thức trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự đối với các sàn giao dịch. Đồng thời, điều này cũng là những yêu cầu khắt khe hơn đối với lực lượng môi giới.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để thích nghi với các thay đổi trong khung pháp lý mới, môi giới bất động sản cần nhanh chóng cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng và tận dụng cơ hội mới trong thị trường.

Thứ nhất, môi giới bất động sản cần nâng cao chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Môi giới cần tham gia các khoá đào tạo, thi để được cấp chứng chỉ nghề môi giới. Bên cạnh đó, họ cần liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, bao gồm việc cải thiện kỹ năng giao tiếp, đàm phán, và kiến thức về thị trường để tư vấn cho khách hàng, là cầu nối giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Thứ hai, với nhiều bộ luật mới liên quan đến thị trường được ban hành, môi giới bất động sản cần dành thời gian nắm vững và hiểu rõ các quy định pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực bất động sản để áp dụng.

Thứ ba, trong xã hội ngày càng phát triển, nhiều công nghệ mới được áp dụng, môi giới bất động sản cần học hỏi để sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng cường tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, tham gia tích cực vào các hoạt động và sự kiện của ngành bất động sản thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp để cập nhật thông tin cũng như xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong ngành.

Thứ năm, theo ông Đính, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, môi giới bất động sản cần cần tìm ra được và có chiến lược để đầu tư, phát triển, phân phối các dòng sản phẩm có mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thay vì chỉ tập trung vào một loại hình hoặc khu vực bất động sản cụ thể, môi giới có thể tìm kiếm cơ hội mới trong các phân khúc thị trường khác nhau hoặc khu vực đang phát triển nhanh chóng, các sản phẩm có thanh khoản để đón đầu cơ hội mới.