Yếu tố cản đường startup Việt vươn ra thế giới

Quỳnh Chi - 17:14, 07/08/2021

TheLEADERĐể có thể thành công trên thị trường quốc tế, các starup cần một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tiềm lực của chính mình lẫn hiểu rõ đặc điểm của các thị trường mục tiêu lớn ở khu vực và thế giới.

Yếu tố cản đường startup Việt vươn ra thế giới
Hai vị cá mập của chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank)

Khởi nghiệp Việt Nam: tăng trưởng nhanh nhưng chưa có “lối ra” rõ ràng

Rời bỏ “giấc mơ Mỹ” và trở về Việt Nam làm việc từ năm 2008, bà Thái Vân Linh, nay là Giám đốc điều hành Công ty CP Vingroup Ventures nhận thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt nam thời điểm đó còn rất non trẻ, chỉ mới có hai quỹ đầu tư hoạt động trên thị trường.

Tuy nhiên sau 13 năm, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, vòng gọi vốn series A hay E,F,G... thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các startup Việt cũng đã trưởng thành và thực tế hơn về cách xây dựng, phát triển công ty.

Quan trọng hơn nữa, theo bà Linh, các nhà khởi nghiệp không chỉ mới khởi nghiệp lần đầu mà đã trưởng thành hơn từ rất nhiều kinh nghiệm và bài học rút ra từ những lần thất bại.

“Vì vậy, mỗi khi xem xét một dự án để đầu tư, tôi cảm thấy khả thi hơn rất nhiều. Tôi nghĩ các công ty này có thể phát triển, mở rộng quy mô và vươn ra khu vực cũng như thế giới”, bà Linh nói trong chương trình "Nguy cơ" được tổ chức mới đây.

Đồng thời, với kinh nghiệm sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ, nữ cá mập chương trình Shark Tank nhận xét, mặc dù thị trường Mỹ lớn hơn so với Việt Nam nhưng Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Vì vậy, đầu tư ở Việt Nam có tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua đường dài.

Dù đồng tình về sự thành hình của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, ông Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyễn), Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thể gọi là hoàn thiện.

Khi tham gia vào một thị trường, ngay cả khi có tốc độ tăng trưởng tốt, các startup cũng cần chứng minh đã có “lối ra” thành công với bội số tốt để thu hút các nhà đầu tư. Để thuyết phục được shark Louis Nguyễn, các startup phải có chiến lược tấn công thị trường khu vực và có cách “hạ cánh” dự án rõ ràng, đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư về một thị trường Việt Nam sôi động.

“Tôi khá lạc quan nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thực tế hơn, hiểu được rằng vẫn phải mất một khoảng thời gian để tham gia vào một thị trường lớn hơn để được định giá tốt hơn”, ông Lữ nói.

Yếu tố cản đường startup Việt vươn ra thế giới
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực trên hành trình vươn ra thế giới

Lý giải lý do Việt Nam chưa có nhiều công ty vươn ra toàn cầu, bà Linh cho rằng, mặc dù có tiềm năng công nghệ rất cao nhưng điều các doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu là khả năng tiếp thị, khả năng tạo thông điệp và khả năng truyền đạt thông tin đến khách hàng.

Trong khi đó, bí quyết để thành công bền vững của một doanh nghiệp nằm ở việc tạo ra sản phẩm và bán được sản phẩm mà trường hợp thành công trong cách làm tiếp thị của Apple là một dẫn chứng điển hình.

Doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cần có đồng sáng lập có kinh nghiệm về tiếp thị vì làm ra sản phẩm tốt mà không biết cách đưa sản phẩm đến khách hàng thì cũng khó thành công. Nhiều người vẫn đang coi nhẹ công tác này trong doanh nghiệp, cho rằng đây là một việc không hề khó khi thấy nhiều giám đốc vận hành doanh nghiệp kiêm luôn vai trò làm tiếp thị.

Trong khi đó, từ góc độ của chuyên gia tài chính, shark Louis cho rằng, các nhà đầu tư có xu hướng “đi săn” thỏa thuận. Khi một doanh nghiệp sở hữu công nghệ đột phá, mang tính toàn cầu hay đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư, danh tiếng của một doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư tiềm năng, đó là câu chuyện “trước khi tiếp thị”.

Yếu tố cản đường startup Việt vươn ra thế giới 1
Ông Louis Nguyễn, chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM)

Để có thể thành công trên thị trường quốc tế, điều đầu tiên các startup cần làm là phải tiếp cận được thị trường lớn, trước hết là ở Việt Nam, sau đó đến khu vực và quốc tế.

Các doanh nghiệp cũng phải nghĩ một cách nghiêm túc đến những rào cản gia nhập, cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhà đầu tư trên thị trường quốc tế.

Ông Louis Nguyễn cũng gợi ý một hướng đi khác cho các startup để có thể đi nhanh hơn là “sao chép công nghệ”, lấy một mô hình kinh doanh đang hoạt động hiệu quả ở một quốc gia khác để cố gắng nhân rộng mô hình ở Việt Nam. 

Chẳng hạn như câu chuyện Grab mua lại Uber, hay các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Tiki sao chép mô hình của Alibaba. Tuy nhiên, để có thể làm được thì điều kiện là phải có vốn và đội ngũ.

"Họ bơm hàng đống tiền vào các mô hình này. Mặc dù thua lỗ nhưng họ vẫn đầu tư với hi vọng ngày nào đó, họ sẽ trở thành một Amazon thứ hai”, vị cá mập Shark Tank nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể tiếp cận tốt với thị trường quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp cần phải có những thành viên am hiểu về văn hóa của thị trường mà doanh nghiệp đang hướng đến. Ví dụ, để có thể thu hút được các nhà đầu tư tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, một doanh nghiệp châu Á phải có người phát ngôn có vốn tiếng Anh vững chắc và am hiểu văn hóa bản địa. Nhân tố này có thể tìm thấy ở chính thị trường mục tiêu.

Sở hữu những nhân tố có thực lực và đã có thời gian trải nghiệm lâu dài tại môi trường bản địa, doanh nghiệp sẽ có một chiếc cầu nối vững chắc với các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư thấu hiểu và nhận thấy sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Tiêu biểu là những “ông lớn” như Vingroup, Masan và FPT. Họ luôn có một người phát ngôn thông thạo tiếng Anh 100% ở các hội nghị với đối tác.

Shark Louis bổ sung, yếu tố quan trọng khác mà một doanh nghiệp cần phải có là tính minh bạch trong tổ chức. Một trong những rào cản lớn nhất của các startup Việt Nam là sự không thẳng thắn trong khâu phân bố nhiệm vụ và chế độ phúc lợi khi hoàn thành KPI.

Ông Louis lấy ví dụ, khi một doanh nghiệp có một người kiêm nhiệm nhiều công việc, và họ hoàn thành KPI cho các đầu việc được giao nhưng không được trả công tương xứng, phần nhiều là làm không công. Từ đó, nhân viên rất dễ có tâm lý ngại cống hiến vì họ sẽ không nhận được phúc lợi xứng đáng. Đó là một bài toán trong khâu quản trị.

Yếu tố cản đường startup Việt vươn ra thế giới 2
Bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Công ty CP Vingroup Ventures

Một yếu tố quan trọng khác cũng quyết định vào sự thành công của doanh nghiệp khi lấn sân sang thị trường quốc tế là yếu tố văn hóa.

Bà Linh lấy ví dụ, bánh sandwich Subway với nhiều thịt nạc và ít gia vị là một sản phẩm rất phổ biến ở Mỹ trong khi Việt Nam là đất nước của bánh mì với hương vị đậm đà truyền thống của người Việt. Đó cũng là lý do công ty này vẫn chưa thành công được ở thị trường Việt Nam dù đã có những điều chỉnh cho hợp khẩu vị vì khó cạnh tranh được với bánh mỳ truyền thống.

Một ví dụ khác là món kem Ben & Jerry’s từng cố gắng vào Ý nhưng người dân địa phương không thích vì nó quá cứng trong khi nước Ý nổi tiếng với món gelato là một món kem rất mềm.

“Nếu bạn đang có một sản phẩm ở Việt Nam và bạn muốn đưa nó đến một quốc gia khác, điều đầu tiên là tìm được người phù hợp và hiểu biết về văn hóa bản địa tham gia vào nhóm của bạn, sau đó xây dựng đội nhóm rồi tiếp thị và bắt đầu bán hàng”, shark Linh nói.

Startup không nên cố gắng tiến vào nhiều thị trường cùng một lúc. Điều này cũng tương tự với việc tìm kiếm nhà đầu tư. Để có thể thu hút nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp phải xác định được “khẩu vị” của nhà đầu tư đó và thuyết phục họ những gì mà họ muốn nghe.

Ngoài ra, shark Louis Nguyễn cũng nhấn mạnh tính minh bạch. Điều này cực kỳ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Sự minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được niềm tin cũng như nguồn vốn của nhà đầu tư.