Yếu tố giúp Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Kiều Mai - 12:45, 23/09/2021

TheLEADERTrong xu hướng xanh của thế giới cũng như đòi hỏi ngày càng cao từ các nhà đầu tư, Việt Nam cần chú trọng hơn và hành động nhiều hơn vào các khía cạnh của phát triển bền vững, bao gồm môi trường, xã hội và quản trị.

Xu hướng đầu tư ESG để giữ lợi thế cạnh tranh

HSBC trong nghiên cứu mới nhất đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng.

Là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực, Việt Nam được nhận định không chỉ là một câu chuyện thành công về chuỗi cung ứng gia công với lợi thế về vị trí địa lý. Thị trường này còn đang thiết lập một động cơ tăng trưởng kinh tế nội tại – điều sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.

Việt Nam ngày càng đáng đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN sau Thái Lan.

Điều này đồng nghĩa rằng để duy trì mức tăng trưởng, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn, và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Yếu tố giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại
Nguồn: HSBC.

Với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào các khía cạnh môi trường (E), xã hội (S), và quản trị (G) – ESG, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, cũng như tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG.

Điều này phù hợp với xu hướng chung trên thế giới khi các nhà đầu tư sẽ ngày càng đòi hỏi ở doanh nghiệp nhiều hơn, xem xét lại về các mô hình và chiến lược kinh doanh, cũng như mức đầu tư ESG thời gian qua tăng đáng kể.

Lợi thế từ ESG với thị trường cận biên Việt Nam

Tại các thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam, ESG giúp cải thiện việc định giá rủi ro.

HSBC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung tạo ra tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường e dè do những lo ngại liên quan đến các báo cáo tài chính dưới chuẩn và những gì họ nhìn nhận là các quy định mâu thuẫn – một rủi ro đầu tư thường liên quan đến các thị trường cận biên. Các nhà đầu tư thường tính lợi nhuận cộng để bù đắp cho những yếu tố bất định này.

Tuy nhiên, khi việc công bố thông tin của doanh nghiệp được cải thiện, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tốt hơn.

Cùng với đó, do các công ty toàn cầu tập trung ngày càng nhiều vào ESG và tính bền vững, họ càng đòi hỏi các nguồn lực bền vững có chất lượng tốt tại các quốc gia đang hoạt động.

Điều này hàm ý rằng việc tăng đầu tư vào ESG sẽ giúp Việt Nam hấp dẫn hơn với FDI, tạo đà tăng trưởng tốt hơn.

Yếu tố giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại 1
Tại các thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam, ESG giúp cải thiện việc định giá rủi ro.

HSBC nhận định Việt Nam đang bắt đầu bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội của ESG. Nhiều nhà đầu tư sẽ ngạc nhiên khi biết quốc gia này đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong cải thiện quy trình quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cải cách Luật Doanh nghiệp và chứng khoán vào năm 2015 đã đưa ra cơ chế quản trị doanh nghiệp cơ bản cho chủ và giám đốc doanh nghiệp của các công ty tư nhân.

Năm 2019, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã sửa đổi Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đạt tới các quy chuẩn toàn cầu trong trung hạn. Bộ quy tắc này áp dụng hướng tiếp cận hướng dẫn mặc dù nhiều phần được quy định bởi các luật và nghị định khác nhau.

ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam

HSBC nhận định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Đơn cử, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, do VCCI thành lập, hàng năm ghi nhận các công ty trong số 1.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI).

Ngoài ra, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố Chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) vào năm 2017. VNSI là một chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh, bao gồm các công ty niêm yết có điểm số cao nhất về tính bền vững dựa trên hơn 100 tiêu chí.

Phân tích dữ liệu từ HSBC đối với các công ty trong danh sách VN30 Index cho thấy không có nhiều công ty báo cáo đủ các chỉ số môi trường. Tuy nhiên, 43% các công ty tại Việt Nam có chính sách giảm CO2.

Do có những quan ngại về thay đổi khí hậu, các công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm tiêu thụ năng lượng. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng trung bình đã giảm từ 185kWh xuống 166kWh.

Mật độ năng lượng tại Việt Nam đã giảm từ 298,8 kWh/1.000 USD xuống 87,3 kWh/1.000 USD, dẫn đầu là Thành Thành Công, một nhà sản xuất đường lớn.

Yếu tố giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại
Các công ty cải thiện mật độ năng lượng nhất từ năm 2016 (kWh/1.000 USD).

Về mặt xã hội, lương cao hơn là một cách thưởng cho người lao động vì những đóng góp của họ. Phần trăm chi phí nhân lực so với doanh thu đã nhỉnh tăng tại Việt Nam, từ 8,7% năm 2017 lên 9,9% năm 2020.

Lương bổng tốt nói chung thường đi đôi với giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận mức tăng nhẹ từ 7,8% lên 8,2%. Nguyên nhân là Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhất trong việc đổi hướng chuỗi cung ứng, dẫn tới nhu cầu cao hơn đối với nhân lực, do đó tỷ lệ nghỉ việc cũng cao hơn.

Về thành viên ban quản trị, Việt Nam khá nhất quán trong 5 năm vừa qua với quy mô ban quản trị từ 7,1 năm 2016 lên 7,4 năm 2020. Những con số này nằm trong khoản định nghĩa bởi bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp.

Trong các năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng thành viên ban quản trị là nữ, từ 28,8% lên 32,7%. Việt Nam đã đạt mức tối thiểu yêu cầu là 30% thành viên nữ trong ban quản trị, theo bộ quy tắc quản trị.