Yếu tố giúp VinFast chưa đánh đã thắng ở thị trường ô tô điện Việt Nam

Việt Hưng - 15:27, 11/08/2023

TheLEADERTrong khi thế giới đang hướng tới hệ thống trạm sạc xe điện dùng chung, thì việc VinFast vẫn đứng ngoài cuộc là có lý do riêng.

Tuần tới, VinFast sẽ chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ với mã niêm yết VFS, sau khi hoàn tất sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition. Trong giao dịch này, VinFast được định giá khoảng 27 tỷ USD, với vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD.

Việc VinFast gia nhập thị trường xe ô tô điện tại Mỹ được dự báo sẽ vấp phải nhiều sự cạnh tranh tới từ những tên tuổi lớn trong ngành như Tesla, BYD, đó là chưa kể đến các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng đang tích cực bắt nhịp với dòng xe hybrid và EV.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn được đánh giá là một thị trường đủ lớn cho nhiều nhà sản xuất, cộng thêm với việc người dân Mỹ cởi mở với sản phẩm ô tô điện.

Còn tại Việt Nam, việc thuyết phục người dân chuyển đổi thói quen sử dụng từ ô tô xăng sang điện có phần khó khăn hơn.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc.

Để sớm đạt được những mục tiêu quan trọng này, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nhiều chính sách miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký biển số với ô tô điện. Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất hỗ trợ người mua ô tô điện tại Việt Nam 1.000 USD/xe. Đây được coi là khoản trợ cấp để người dân chuyển dịch hành vi tiêu dùng.

Năm ngoái, thị trường xe hơi Việt Nam đạt kỷ lục doanh số sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, với hơn nửa triệu xe bán ra. Nhưng đến nay mới có gần 13.000 xe ô tô điện được lưu hành chủ yếu là thương hiệu VinFast.

Vinfast chưa đánh đã thắng ở thị trường xe ô tô điện Việt Nam
Trạm sạc ô tô điện VinFast đang được phủ sóng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn

Thế độc tôn của VinFast tại thị trường Việt Nam không chỉ thể hiện qua doanh số bán xe, mà còn đến từ hạ tầng trạm sạc điện đang được phủ sóng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Một chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng: "Cốt lõi của hệ sinh thái xe điện chính là giải pháp năng lượng, mà cụ thể ở đây là các trạm sạc. Với lợi thế lớn là Vingroup sở hữu các hạ tầng khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại có sẵn, VinFast tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian triển khai trạm sạc".

Điều này giải thích tại sao ở Mỹ, cùng một mô hình nhưng tốc độ triển khai trạm sạc điện có phần chậm hơn do công ty không còn những lợi thế này.

Tại Việt Nam, để doanh nghiệp triển khai một trạm sạc điện cho ô tô cần nhiều điều kiện pháp lý như: mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng, hạ tầng điện lưới... có thể xem là những rào cản lớn, chưa kể đến yếu tố kĩ thuật, chi phí triển khai ban đầu tốn kém.

"Trong khi thế giới đang hướng tới hệ thống trạm sạc xe điện dùng chung, thì việc VinFast vẫn đứng ngoài cuộc là có lý do. Tại Việt Nam, công ty đang xây dựng các trạm sạc không chia sẻ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh ban đầu với các nhà sản xuất đến sau", vị chuyên gia nhận định.

Vị chuyên gia gọi đây là yếu tố quan trọng giúp Vinfast chưa đánh đã thắng ở thị trường xe ô tô điện Việt Nam.

Nếu nhìn vào số lượng trạm sạc được Bộ Giao thông vận tải thống kê trên toàn quốc, VinFast là cái tên chiếm ưu thế với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh, thành phố. Tính tới ngày 14/10/2022, VinFast lắp đặt được 1.560 trạm sạc điện trong toàn quốc.

Một doanh nghiệp khác cũng cung cấp giải pháp sạc cho xe điện là Công ty TNHH EVIDA với hơn 850 điểm sạc điện mang thương hiệu EBOOST, nhưng chủ yếu là điểm sạc cho xe máy điện.

Vinfast chưa đánh đã thắng ở thị trường xe ô tô điện Việt Nam 1
Việc VinFast không chia sẻ trạm sạc ô tô điện có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh

Về phía các nhà sản xuất, một số thương hiệu như: Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng thiết lập hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại phòng trưng bày, hoặc nhà máy của hãng.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB...

Nhìn chung, ngoài VinFast là đơn vị tiên phong xây dựng các trạm sạc ô tô điện ở Việt Nam với lợi thế lớn về mặt hạ tầng, thì chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất sẵn sàng tham gia vào tiến trình này.

Ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện chưa có một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nào dành riêng cho nhóm đối tượng là các trạm sạc ô tô điện.

Vị lãnh đạo cho rằng, nếu không có những quy chuẩn, quy hoạch cụ thể, trạm sạc sẽ được đầu tư theo hướng "trăm hoa đua nở", có thể dẫn đến việc trùng lắp, lãng phí trong cùng một khu vực nếu số thiết bị vượt quá mức yêu cầu.

Ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc Vinfast bày tỏ những khó khăn: "Trong quá trình xây dựng trạm sạc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống, thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế".

Một số khó khăn khác được ông Thắng nêu ra như vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể thường khác nhau, nguồn điện, mức độ cung cấp điện không đồng đều.

Ngoài ra, trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt ngày 15/5/2023 cũng chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan tới quy hoạch các trạm sạc xe điện ở Việt Nam.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN, khi xe điện đi vào hoạt động với việc xây dựng hạ tầng trạm sạc cũng ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống điện tại Việt Nam. 

Vinfast chưa đánh đã thắng ở thị trường xe ô tô điện Việt Nam 2
Cần một quy hoạch tổng thể cho hạ tầng các trạm sạc ô tô điện

Ảnh hưởng ở đây cụ thể là làm tăng trưởng phụ tải. Xét trường hợp của VinFast, nếu tính công suất tối thiểu trụ sạc 11kW thì mục tiêu xây dựng 2.000 trạm đồng nghĩa với khoảng 440MW công suất trạm sạc sẽ đấu nối thêm vào hệ thống. Thậm chí có thể lên tới hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc có công suất lớn hơn.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu tính riêng phụ tải cho xe điện có thể tăng vài trăm MW tới vài GW cho những năm tiếp theo. Tức là tương đương với khoảng 2 tổ máy của NMTĐ Hoà Bình (mỗi tổ máy công suất 240MW) hoặc tương đương với công suất của NMTĐ Lai Châu (1.200MW), và thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Đại diện EVN cho biết thêm, việc phát triển các trạm sạc còn ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện và chất lượng điện năng. Khi khối lượng lớn trụ sạc đấu nối vào lưới điện phân phối sẽ xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành lưới điện, tình trạng làm việc an toàn, ổn định của hệ thống điện, gây quá tải lưới điện khu vực…

Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam nói chung, việc phát triển các trạm sạc ô tô điện nói riêng, phía Bộ Giao thông vận tải gần đây đã đề xuất ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế. Quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.

Cùng đó, cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc. Nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng.

Cũng liên quan đến phát triển trạm sạc, Bộ đề xuất ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh.

Miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện và ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng. Ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện.