Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa: 'Hỗn hợp, phức tạp, nửa vời'

Thu Phương - 15:51, 30/11/2018

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, việc nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hoá doanh nghiệp đã tạo ra một kiểu quản trị rất nửa vời, không thể áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa: 'Hỗn hợp, phức tạp, nửa vời'
TS. Trần Đình Thiên cho rằng nên chuyển cổ phần hóa thành tư nhân hóa

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 doanh nghiệp nhà nước, tổng giá trị thu về cho ngân sách từ thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc quản trị các doanh nghiệp sau cổ phần. 

Trong đó, việc các doanh nghiệp chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đã dẫn đến tình trạng "bình mới rượu cũ", hiệu quả hoạt động chưa cao sau cổ phần hoá.

Minh chứng rõ nhất cho điều này, tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bổi cảnh toàn cầu hóa”, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, một thực tế là tổng số doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá hiện đã đạt đến trên 90%, riêng ngành ngân hàng đã cổ phần hoá gần hết, chỉ còn lại Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa cổ phần hoá.

Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng đã cổ phần này vẫn là ngân hàng nhà nước. Việc cổ phần hoá dường như chỉ là gọi thêm vốn vào, còn lại chưa có thay đổi gì nhiều trong việc quản trị. 

"Quản trị doanh nghiệp nhà nước đang đặt ra vấn đề rất lớn là quản trị như thế nào khi các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng vẫn có đến 90% vốn nhà nước. Chính điều này đã tạo ra một kiểu quản trị rất nửa vời", ông Lai nhận định. 

Trong khi đó, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nếu đã cổ phần thì không nên còn vốn nhà nước ở đó nữa, hoặc nếu có chỉ một chút và hưởng cổ tức ưu đãi, còn lại việc quản trị doanh nghiệp như thế nào nên để cho tư nhân với tư cách là những người có trình độ thực hiện để quản trị hiệu quả nguồn vốn đó.

Đồng quan điểm, theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đến nay đã 20 năm những vẫn chưa đạt được những thành tựu rõ ràng. Nguyên nhân được ông Ánh chỉ ra là ngay từ đầu khi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, các quy định đã "rất khôn" tránh từ "tư nhân hoá" mà dùng từ "cổ phần hoá". 

"Hệ quả của câu chuyện cổ phần hoá không giống ai này là đến giờ chúng ta lại bàn việc quản trị doanh nghiệp nhà nước như thế nào", ông Ánh đặt câu hỏi. 

Đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hoá nhà nước không giữ vốn, hoặc giữ ít không đáng bàn, vướng mắc ở đây là tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn lớn 30%, 50%, thậm chí là 90% những vẫn gọi là các doanh nghiệp đã cổ phần. 

Loại hình doanh nghiệp "hỗn hợp", nửa nọ nửa kia này rất phức tạp, rất nhiều phương thức quản trị đã được các chuyên gia chỉ ra như minh bạch hoá quản trị, áp dụng quản trị hiện đại... thực chất không thể áp dụng vào các doanh nghiệp này bởi giữa lý thuyết và thực tế vốn rất khác biệt. 

Theo TS. Vũ Đình Ánh: "Bản chất sở hữu doanh nghiệp trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Chúng ta sở hữu doanh nghiệp hậu cổ phần là hỗn hợp nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được. Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn là cái ruột Việt Nam, vẫn là lãnh đạo doanh nghiệp cũ", ông Ánh cho biết.

Nói rõ hơn về nguyên nhân của thực trạng này, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá hiện nay thực chất vẫn là "bình mới rượu cũ". 

Tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp, nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, do đó, những thay đổi cơ bản trong quản trị của các doanh nghiệp này chưa có gì đáng kể.

"Bình mới" là cách gọi từ doanh nghiệp nhà nước chuyển thành doanh nghiệp cổ phần hoá. Rượu cũ là vẫn bộ máy lãnh đạo ấy, thậm chí còn kém hiệu quả hơn trước. Bởi "bình mới" là yếu tố "tranh tối tranh sáng", môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện trái luật nhằm tư lợi.

Có nên chuyển "cổ phần hoá" thành "tư nhân hoá"?

Theo ông Thiên, giải pháp cho thực trạng này là nhà nước nên chuyển cổ phần hoá  thành tư nhân hoá. Các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần nên giao cho tư nhân quản lý với phương thức quản trị hiện đại, theo cơ chế thị trường. 

Nhà nước chỉ nên giữ lại một số lượng cổ phẩn nhỏ, không nên chiếm cổ phần chi phối như tại nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Văn Khách, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cần phải xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước tiệm cận thông lệ quốc tế. Cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Mặt khác, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhà nước bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.