TS. Trần Đình Thiên lý giải "những bất thường" về tăng trưởng kinh tế

An Nhiên - 10:19, 11/12/2017

TheLEADERTăng trưởng kinh tế năm 2017 đã có những động thái tích cực, cơ cấu kinh tế theo ngành bắt đầu thoát khỏi các ngành khai thác tài nguyên.

TS. Trần Đình Thiên lý giải "những bất thường" về tăng trưởng kinh tế
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III vừa qua, đạt 7,48% so với mức 5,14% quý I và 6,17% trong quý II. Kết quả này kiến dư luận đặc biệt quan tâm và các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Tại hội thảo ‘Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018’ do CafeLand tổ chức cuối tuần qua, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiếp tục có những lý giải về con số tăng trưởng bất thường này đồng thời chỉ ra những vấn đề cần thay đổi của nền kinh tế.

Tăng trưởng 2017 là kết quả của đầu tư 2016

Theo TS. Trần Đình Thiên, năm nay, tăng trưởng một số ngành giảm mạnh, đặc biệt là các ngành lâu nay đóng góp rất lớn cho GDP như khai khoáng, dầu khí, tăng trưởng âm gần 10%.

Liên quan đến đầu tư, cơ sở của tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân đầu tư công rất chậm, cho đến tháng 9 mới đạt 50% dự toán. Giải ngân ODA đến tháng 7 chỉ đạt 42%, còn giải ngân trái phiếu chính phủ đến tháng 9 chỉ được 7%.

Tuy nhiên, năm nay nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc đạt được 2,78%, vượt hẳn so với năm ngoái (chỉ đạt 0,62%). Tiếp theo phải kể đến ngành dịch vụ tăng trưởng 7,25 so với 6,67% năm ngoái.

Theo TS. Thiên, vốn đầu tư trong năm nay chưa thể tác động rõ ràng đến tăng trưởng. Nếu dùng số giải ngân năm nay để giải thích GDP thì không thuyết phục, cho nên phải nhắc đến con số này năm ngoái. Năm 2016, đầu tư tư nhân tăng 48%, con số này đã chuyển thành tăng trưởng GDP năm nay. Trong 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư tư nhân đăng ký mới tiếp tục tăng 43,5%

"Khi nguồn vốn nhà nước khó khăn, vốn đầu tư của khu vực tư nhân đã bù đắp cho tăng trưởng", ông Thiên nhận định.

Khu vực FDI cũng giải ngân 15,8 tỷ USD trong năm 2016, tăng 9% so với 2015 và là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Động lực khác của tăng trưởng GDP năm nay phải kể đến là đóng góp vượt bậc của SamsungFormosa.

Nhiều người không hài lòng với tập đoàn Formosa, nhưng xét về tăng trưởng GDP, Formosa năm nay đã đóng góp 1,5 triệu tấn thép, trong khi năm ngoái tập đoàn này hầu như không ăn nên làm ra, còn tạo nên tác động uể oải đến tăng trưởng kinh tế.

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã có những động thái tích cực và đáng tin tưởng. Cơ cấu kinh tế theo ngành bắt đầu dịch chuyển, bắt đầu thoát khỏi các ngành khai thác tài nguyên và chuyển sang công nghiệp chế tạo, dịch vụ.

Tư duy về đô thị cũng đã thay đổi, đã chú ý đến phát triển đô thị thông minh. Xu thế khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bùng lên, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng mạnh. 

Nền kinh tế vẫn đang có những vấn đề cần thay đổi

Về dài hạn, trong 30 năm đổi mới, năm nào kinh tế Việt Nam cũng hoàn thành kế hoạch, nhưng cứ qua 10 năm thì tốc độ tăng trưởng lại giảm rõ rệt, mặc dù vẫn cao hơn con số bình quân trên thế giới.

TS. Trần Đình Thiên lý giải
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt nam giảm dần từ năm 1991 đến nay.

Cụ thể, hệ số ICOR, hệ số hiệu quả sử dụng vốn, có xu hướng thấp đi. Tăng trưởng hằng năm có vẻ tốt, nhưng tăng trưởng dài hạn có vấn đề. Con số GDP không tồi khi các năm hầu như 6% trở lên nhưng cơ cấu tăng trưởng lại thay đổi rất chậm. Nền kinh tế chậm trưởng thành, dẫn đến doanh nghiệp Việt cũng chậm lớn, khó lớn.

Theo vị chuyên gia, động lực tăng trưởng cũ của nền kinh tế đã cạn kiệt, phải thay bằng cái mới hoàn toàn. Cần tái cơ cấu và đổi mới nền tảng tăng trưởng nhưng 5, 7 năm qua chưa làm được, hoặc làm được rất ít.

Ông Thiên cho rằng, cách tiếp cận 3 năm tới là Chính phủ cần tối đa cải cách thể chế, nỗ lực ở các mục tiêu cơ bản dài hạn. Các mục tiêu ngắn hạn sẽ không phải ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta cần phải xem xét vấn đề chi phí vận chuyển quá lớn của doanh nghiệp, cần thay đổi cách nhìn trong các vấn đề BOT giao thông hiện nay.

T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ngoài ra, trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI ‘ăn nên làm ra’ nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách của Việt Nam và hạn chế được những tác động tiêu cực

Khu vực tư nhân rất yếu, trong đó doanh nghiệp tư nhân hầu như không thay đổi gì về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp khá yếu (dưới 10%).

Mấy năm qua, động lực, động cơ tăng trưởng tập trung chủ yếu ở khu vực FDI. Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI tăng nhanh, sau 2017 càng tăng mạnh mẽ hơn, còn khu vực nội địa tăng trưởng rất chậm.

Theo ông Thiên, điển hình của sự trói buộc đối với khu vực doanh nghiệp trong nước là con số 5.719 giấy phép kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp muốn thành lập cũng phải mấy chục giấy phép.

"Cần phải tập trung dọn dẹp các cơ chế, điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp", ông Thiên khuyến nghị.