Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Lạc quan nhưng vẫn cần cẩn trọng

Nguyễn Lê - 09:00, 21/03/2018

TheLEADERChính phủ Việt Nam dường như đang quyết tâm hơn bao giờ hết trong thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm cải cách hệ thống tài chính và nâng cao triển vọng đầu tư.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Lạc quan nhưng vẫn cần cẩn trọng
Thoái vốn Sabeco giúp Chính phủ thu về 4,8 tỷ USD.

Theo khảo sát về rủi ro tài chính năm 2017 của Euromoney, Việt Nam là một trong những nước chứng kiến những bước tiến đáng chú ý nhất trong số các thị trường mới nổi và thị trường cận biên trên khắp châu Á. Việt Nam đạt 43,0/100 điểm trong bảng đánh giá rủi ro này.

Standard & Poor's vẫn duy trì mức xếp hạng tín dụng BB - ổn định cho Việt Nam kể từ năm 2012. Năm ngoái, cả Fitch và Moody's đã thay đổi mức xếp hạng tín dụng đối với Việt Nam từ ổn định sang tích cực.

Các chỉ tiêu về môi trường pháp chế và hoạch định chính sách của Việt Nam đã được cải thiện gần đây, điều này có thể được coi là yếu tố quyết định đối với vấn đề cải cách kinh tế, đặc biệt là quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ.

Quá trình đã bị hoãn trong nhiều năm, nhưng hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Các thương vụ thoái vốn đáng chú ý như của Vinamilk hay Habeco và Sabeco, hai nhà sản xuất bia, rượu, nước giải khát lớn nhất cả nước đã giúp Nhà nước thu về khoản tiền đáng kể.

Con hổ kinh tế mới

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 14 bậc, xếp thứ 68 trong số 190 nền kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong bốn nền kinh tế hàng đầu tại Đông Nam Á.

Năm 2017, nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6,81% và đà tăng trưởng này được dự đoán sẽ kéo dài trong năm 2018 với lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn định.

Ngày 13/3 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức đến New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,41% trong quý I năm nay, dẫn đầu bởi hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng du lịch.

Markus Böcklinger, chuyên gia phân tích rủi ro của Erste Group Bank, cho biết: "Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây và đang dần chuyển sang xuất khẩu các hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn như hàng điện tử".

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong 11 nước thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này vừa được chính thức ký kết vào ngày 8/3 tại thủ đô Santiago, Chile.

Ông Markus cũng cho biết: "Nếu quy mô và cấu trúc nợ nước ngoài cũng như cán cân tài khoản vãng lai được cân bằng, thì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ trở nên bền vững hơn".

Mặc dù mức dự trữ ngoại hối chưa đủ để giúp Việt Nam gia nhập nhóm các nền kinh tế thị trường mới nổi, tuy nhiên, NHNN đang nỗ lực gia tăng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay là 60 tỷ USD.

Vẫn cần cẩn trọng 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng sự tăng trưởng của Việt Nam không diễn ra một cách thực sự suôn sẻ trong thập kỷ qua. Bên cạnh những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam cũng phải chịu đựng chu kỳ tín dụng thậm chí còn sâu sắc hơn vào năm 2012 do mức nợ công cao.

Tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong các quy định kiểm soát của nhà nước. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam trên thực tế mới chỉ bắt đầu phục hồi nhờ vào mức lạm phát ổn định và tăng trưởng tín dụng gần đây.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng có thể giảm xuống mức thấp sau gia đoạn tăng trưởng nhanh gần đây và sự hạn chế của bảo hiểm tín dụng tiêu dùng đặt ra nhiều thách thức mới về chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát vẫn tỏ ra thận trọng đối với sức khỏe của ngành ngân hàng do vấn đề cốt yếu như nợ công cao, chất lượng tín dụng chưa tốt.

Năng lực tài chính của chính phủ Việt Nam được đánh giá là khá thấp, với mức thâm hụt ngân sách mục tiêu năm 2018 là 3,7% GDP và mức nợ công sắp chạm trần 65% GDP.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách đã thu hẹp từ khoảng 6% GDP trong những năm trước và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ mang lại một nguồn thu hữu ích.