Giấy phép con và những 'chuyện đi đêm' trong lĩnh vực bất động sản

Vũ Minh - 08:00, 04/09/2017

TheLEADERTrong kinh doanh bất động sản, chuyện chạy đua xin giấy phép và những cuộc đi đêm của doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm và vẫn thường được người trong giới rỉ tai nhau trong cả nghị trường lẫn những buổi tán gẫu, trà đạo vỉa hè công cộng.

Giấy phép con và những 'chuyện đi đêm' trong lĩnh vực bất động sản
Giấy phép vẫn hành doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Với tinh thần kiến tạo và quyết liệt hành động, ở mỗi kỳ họp, mỗi buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh yêu cầu cải cách triệt để thủ tục hành chính, dẹp bỏ "giấy phép con - giấy phép cháu" gây phiền hà cho doanh nghiệp…tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Sau rất nhiều nỗ lực, rất nhiều hành động đã được Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành thực hiện, thế nhưng, đa số các doanh nghiệp vẫn gặp khó đối với vấn đề thủ tục hiện nay.

Đơn cử như trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chuyện chạy đua xin giấy phép và những cuộc đi đêm của doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm và vẫn thường được người trong giới rỉ tai nhau trong cả nghị trường lẫn những buổi tán gẫu, trà đạo.

Nhiều năm làm việc, tiếp xúc với giới kinh doanh bất động sản, mỗi lần có cơ hội gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, người viết đã từng nhiều lần đặt câu hỏi về con đường đến được những giấy phép. Cũng có người trả lời thành thật, nhưng đa phần đều nói giảm nói tránh hoặc tìm cách lảng tránh sang chuyện khác. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn dùng cách cung cấp thông tin mập mờ, không rõ ràng để tránh phải nói thẳng.

Chỉ có thân quen và tin tưởng ngồi tâm sự riêng, hoặc buộc phải trả lời nhiều người mới thành thực: "Anh không khó khăn gì đâu, nhưng quả thực không dám trả lời, bởi nhạy cảm, bởi sợ đụng chạm". 

Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đều cho biết để hoàn tất hồ sơ pháp lý cho dự án ít nhất cũng phải mất từ 2 - 3 năm, trong đó có nhiều thủ tục, nhiều loại giấy phép mà họ không nghĩ là làm xây dựng cũng phải xin mấy đó!? Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp làm bằng vốn vay ngân hàng, thậm chí vay cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để làm dự án nên cứ chậm ngày nào là mất nhiều tiền ngày đó.

Do vậy, để dự án sớm được triển khai, không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp buộc phải “chạy”, thậm chí bằng mọi giá miễn là được việc. Và để “chạy” nhanh, tiên quyết là ở phí, loại chi phí mà truyền thông hay gọi là “phí bôi trơn” hay "tiền lót tay". Nhiều thông tin cho rằng, phí bôi trơn trong bất động sản thường dao động ở mức 10 - 20% tổng đầu tư.

Đã có không ít báo cáo, hội thảo quy mô lớn được tổ chức bởi các tổ chức trong và ngoài nước tập trung mổ xẻ về phí bôi trơn, với những con số được công bố khiến bất kỳ ai quan tâm đều không khỏi giật mình.

Chuyên gia kinh tế uy tín Phạm Chi Lan trong nhiều cuộc hội thảo đã cho biết thông tin, theo kết quả điều tra của WB thì thuế và phí đang chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cứ làm được 1 đồng thì phải chi cho "bôi trơn”, cho tham nhũng 0,72 đồng, thậm chí có lúc đến 1,02 đồng. Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, có 24,1% số người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi nghiệp trong kinh doanh.

Đặc biệt, một vị quan chức cũng đã từng nói, ở nhiều nơi, doanh nghiệp còn gặp cảnh “bôi nhưng vẫn không trơn”. Theo VCCI, doanh nghiệp dù làm đúng vẫn phải có phí bôi trơn vì sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế. Còn theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, "phí bôi trơn" của các dự án đầu tư bất động sản hiện nay cũng không ai có thể ước lượng được là bao nhiêu, rất khó xác định.

Đáng tiếc là, nói về "phí bôi trơn", về giấy phép con, dù không ai phủ nhận là không có nhưng các doanh nghiệp đều không muốn công khai, vì đây là vấn đề… tế nhị, sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. 

Và dĩ nhiên, phí chạy giấy phép, phí bôi trơn là chi phí bất hợp pháp, nên không có giấy tờ quyết toán thu chi. Do đó để tránh lỗ hoặc bù lợi nhuận, bằng cách này hay cách khác, phí bôi trơn vẫn được doanh nghiệp đưa vào giá thành và người chịu thiệt nhất vẫn là người mua nhà.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bất động sản từng tâm sự: Khi khoán cho đơn vị thi công 100 tỷ đồng, thì họ sẽ cắt lại chừng 5-10%, hay khoán cho công ty tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án một gói thầu 5 tỷ đồng, thì sẽ đặt điều kiện trích lại 10%; hoặc họ mua vật tư như thiết bị điện, thang máy trị giá 2 tỷ đồng, thì yêu cầu người bán hàng nâng lên 10-20% và lấy các chi phí đó bù vào… Nhưng, nói như luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật BASICO: “Tất cả hành vi lách luật đều để lại dấu vết, khi thiệt hại xảy ra, người ta sẽ truy vết để tìm kiếm cá nhân phải chịu trách nhiệm”.

Tất nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp, một số dự án không phải mất phí bôi trơn để làm được dự án, đôi khi vì mục tiêu chung của địa phương, chính lãnh đạo địa phương lại "đi tắt, đón đầu" thay cho doanh nghiệp trong chuyện giấy phép con.

Cách đây không lâu, một trường hợp hy hữu xảy ra, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc một dự án của Tập đoàn FLC vi phạm một số thủ tục, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch tỉnh Bình Định đã đăng đàn phản hồi. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đầu tiên xin nhận trách nhiệm trong việc cho phép chủ đầu tư vừa thực hiện dự án vừa hoàn thiện thủ tục. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều dự án vi phạm một phần là do việc xin thủ tục hết sức rườm rà, quá trình thẩm tra thẩm định cho phép rất chậm, đó là chưa kể một số quy định về thủ tục trong xây dựng vẫn còn rất nhiều bất cập cần sửa đổi. Nếu cứ tuần tự theo thủ tục thì phải kéo dài mất vài năm và khiến nhà đầu tư nản lỏng bỏ đi...

Lo ngại của ông Dũng là có lý trong bối cảnh nhà đầu tư lớn hiếm như “sao buổi sớm”. Địa phương nào cũng mong ngóng, bởi chỉ một vài đại dự án là có thể khiến đời sống kinh tế cả tỉnh “lên hương”. Ngay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị thu hút đầu tư vào Quảng Nam mới đây cũng khẳng định tầm quan trọng của những “con sếu đầu đàn” trong việc phát triển kinh tế các địa phương.

Nhớ lại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tổ chức ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng, bền vững.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng cần cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan đến quản lý xây dựng công trình. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong cấp phép xây dựng. Đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng…

Trong lần đăng đàn trước Quốc hội hồi đầu tháng 8/2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, đã thấy sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa một số luật có liên quan trực tiếp đến bất động sản và sẵn sàng phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tiến hành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền sửa đổi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thông điệp và hành động trên của Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, bởi ngoài vấn đề vốn, thì khâu gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp Việt “lớn nhanh” chính là thủ tục hành chính, đặc biệt là "giấy phép con - giấy phép cháu".

Ở góc nhìn chính sách, từ những vấn đề nêu trên, theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, có lẽ các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại các thủ tục, cơ chế, chính sách…, để hạn chế thấp nhất những chính sách “đúng nhưng không còn hợp thời”, để các chủ đầu tư không phải “tặc lưỡi” vi phạm trong quá trình triển khai dự án.

Giấy phép con có còn là 'đầu Phạm Nhan': Cuộc chiến còn nhiều gian nan