10 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam 2018

Việt Hưng - 16:05, 31/07/2018

TheLEADERCác thương hiệu nổi bật trong danh sách này thuộc các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bất động sản, viễn thông.

Theo danh sách của Forbes Việt Nam, 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018 có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với danh sách công bố năm 2017.

Những doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, viễn thông, ngân hàng, hàng tiêu dùng... Ba thương hiệu dẫn đầu là Vinamilk (giá trị 2,28 tỷ USD), Viettel (1,39 tỷ USD) và VNPT (416 triệu USD).

Tập đoàn Vingroup góp mặt trong top 10 thương hiệu lớn nhất với hai vị trí là Vinhomes (5) và Vingroup (7) với tổng giá trị 2 thương hiệu gần 700 triệu USD. Một thương hiệu khác của tập đoàn là Vincom Retail xếp hạng 14 với giá trị 91,6 triệu USD.

Các thương hiệu còn lại trong top 10 là Sabeco, Vinaphone, Masan Consumer, Vietcombank và FPT.

Vinamilk, Viettel và Vingroup dẫn đầu top 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam 2018
Danh sách 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018 do Forbes Việt Nam công bố

Đây là lần thứ ba, Forbes Việt Nam thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất tại Việt Nam. Danh sách lần này ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Nhóm công nghệ - viễn thông bên cạnh ba gương mặt cũ, có thêm hai gương mặt khá nổi bật.

Theo Forbes Việt Nam danh sách này được thực hiện theo phương pháp đánh giá của Tạp chí Forbes toàn cầu, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 doanh nghiệp có thương hiệu, Forbes Việt Nam với sự hỗ trợ của Công ty Chứng khoán Bản Việt, tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình.

Việc thu thập số liệu của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính để tạp chí này tính toán.