16 doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam

Quỳnh Như - 10:27, 14/03/2018

TheLEADER16 doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo sẽ kết nối trực tiếp với 80 doanh nghiệp Việt để tìm kiếm nhà cung cấp.

16 doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam
TP. HCM đang quyết tâm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018" khai mạc hôm nay 14/3 tại TP. HCM thu hút sự tham gia của 16 doanh nghiệp FDI lớn và 80 doanh nghiệp Việt trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

16 doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực điện tử,ô tô cơ khí chế tạo như: Samsung, Toshiba, Tiger Vietnam, Asanzo, DLG Ansen Electric, Mitsubishi, Bosch, Schindler, Datalogic, SCSI, Juki, Fuji Impulse… 

Các doanh nghiệp lớn nêu trên sẽ đưa ra danh mục cụ thể hơn 250 chi tiết linh kiện/cụm linh kiện dùng cho các sản phẩm điện thoại, máy photocopy, thang máy, xe tải, xe buýt, xe chuyên dùng, đồ điện gia dụng… mà họ đang tìm kiếm nhà cung cấp. 

Tại chương trình, họ sẽ được kết nối trực tiếp với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tổng số cuộc kết nối trực tiếp dự kiến là hơn 230 cuộc trong ngày.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, đây là một trong những chương trình nhằm thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được triển khai từ năm 2016.

Theo số liệu khảo sát gần đây của Sở Công thương, TP. HCM chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trên tổng số 12.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000 đến 40.000 linh kiện.

Theo ông Đông, cơ sở dữ liệu cũng là một thứ cực kỳ hạn chế trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Không biết các doanh nghiệp sợ tiết lộ bí quyết kinh doanh hay cái gì đó mà không chịu cung cấp thông tin để sở có một dữ liệu cơ bản nhằm trình bày cho các đối tác.

"Các doanh nghiệp luôn kêu ca mình thiếu thông tin, nhưng khi sở làm thì lại không hỗ trợ. Nếu không chịu chia sẻ, không hợp tác thì không thể làm ăn lớn được. Dù thế, chúng tôi cũng cố gắng làm. Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển rất chậm, nếu TP. HCM khoanh tay không làm nữa thì tiêu", ông Đông nói.

Sở Công thương hy vọng, chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam biết mục tiêu thị trường của mình trong tương lai, điều mà nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ rất mông lung.

Đồng thời, qua các buổi trao đổi trực tiếp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ biết mình cần đẩy mạnh sản xuất mảng nào, cải thiện hiệu quả năng suất ra sao, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào.

"Cái yếu nhất của các doanh nghiệp bản địa trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là không xác định được mục tiêu của thị trường. Không biết các doanh nghiệp FDI hay các nhà sản xuất đầu cuối muốn gì. Họ cần gì ở các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng, giá cả…? Họ cần những tiêu chuẩn như thế nào, một cách cụ thể? Và muốn đạt những tiêu chuẩn đó, các doanh nghiệp Việt cần làm gì? Phải nói rõ ràng, để các doanh nghiệp nội địa còn biết phấn đấu", ông Duy Hiệp, đại diện một công ty sản xuất ốc vít cho ô tô chia sẻ.

Theo ông Hiệp, hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cực thấp. Doanh nghiệp nội địa chỉ là nhà phụ trợ cấp 5 hoặc 6. 

"Làm việc với Trường Hải dễ chịu hơn là làm việc với các doanh nghiệp FDI. Cùng người Việt, hỗ trợ nhau tốt hơn. Các doanh nghiệp FDI chưa thực sự gắn kết và hỗ trợ tốt các doanh nghiệp Việt Nam", ông Hiệp nói.