4 lợi ích cho Việt Nam từ xây dựng thị trường carbon

Duy Kiên - 08:44, 13/11/2021

TheLEADERPhát triển thị trường carbon sẽ giúp kinh tế Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam đã dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng theo cấp số nhân. Điều này khiến mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam đứng cao thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2019.

Để đáp ứng các mục tiêu phát triển đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường khuyến khích việc xây dựng thị trường carbon, trong đó sẽ áp giá lên hàm lượng carbon có trong một sản phẩm, qua đó tạo động lực để các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới sản xuất sạch hơn.

Hệ thống trao đổi tín chỉ carbon (ETS) là một cơ chế thị trường mà qua đó các cơ sở sản xuất, các tỉnh, thành phố và quốc gia phát thải khí nhà kính có thể giao dịch các tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của họ.

Để hệ thống trao đổi tín chỉ carbon hoạt động, World Bank trong bài viết mới đây cho rằng sẽ cần có các chính sách và công cụ bổ sung quy định về kiểm kê khí nhà kính quốc gia, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV), và lập đơn vị quản lý ở cấp quốc gia về đăng ký phát thải.

Để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống trao đổi tín chỉ carbon của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiến hành với các đơn vị phát thải lớn khí nhà kính trước khi nhân rộng ra các đơn vị phát thải ít hơn. 

Bốn lợi ích phát triển bền vững từ thị trường carbon

Phát triển thị trường carbon mang lại nhiều cơ hội phát triển bền vững cho Việt Nam, gia tăng sự cạnh tranh của nền kinh tế trên toàn cầu.

Thứ nhất, giảm phát thải thông qua thị trường carbon sẽ tạo động lực giảm phát thải khí nhà kính, giúp giảm ô nhiễm không khí và từ đó, bảo vệ sức khỏe người dân.

World Bank cho biết mật độ carbon quốc gia trên GDP của Việt Nam tăng 48% trong giai đoạn 2000 – 2010, cao thứ hai ở Đông Á. Từ năm 2010 – 2020, lượng khí thải CO2 tăng gấp gần 4 lần, phần lớn là từ nhiệt điện than, các hoạt động phát thải công nghiệp và giao thông.

Gia tăng ô nhiễm không khí là tác nhân dẫn tới hơn 60.000 ca tử vong trong năm 2017 tại Việt Nam. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính, cùng với đó là giảm các chất gây ô nhiễm không khí sẽ cứu sống hàng chục ngàn người Việt Nam.

4 lợi ích cho Việt Nam từ xây dựng thị trường carbon
Vai trò của các bộ trong lộ trình tiến tới thị trường carbon. Nguồn: World Bank.

Thứ hai, giảm phát thải thông qua thị trường carbon sẽ giúp giảm các tác động của biến đổi khí hậu, và giảm áp lực gây suy thoái môi trường.

World Bank đánh giá Việt Nam thuộc nhóm nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mực nước biển dâng cao đe dọa gây ngập lụt các khu kinh tế quan trọng ven biển, có khả năng khiến hàng triệu người Việt Nam phải di dời nơi ở.

Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đặt mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 bằng các nguồn lực trong nước, và có khả năng tăng mức cắt giảm lên 27% so với kịch bản phát triển thông thường nếu có sự hỗ trợ tài chính quốc tế.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính, và sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26.

Theo đó, thị trường carbon được kỳ vọng sẽ giúp đạt được các cam kết cắt giảm phát thải này, đồng thời hỗ trợ Việt Nam khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình phát triển carbon thấp.

Thứ ba, thị trường carbon có tiềm năng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, và khuyến khích việc phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh hơn và sạch hơn, giúp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời giảm ô nhiễm không khí.

Cơ chế thương mại này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp sản xuất sạch hơn và phát thải ít hơn.

Thứ tư, World Bank nhận định thị trường carbon sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn FDI, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh châu Âu (EU).

Nếu Việt Nam không phát triển được thị trường carbon và giảm thiểu hàm lượng carbon trong sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu, các yêu cầu về hàm lượng carbon trong các sản phẩm nhập khẩu vào EU hiện đang được thảo luận có thể trở thành rào cản đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc hợp tác song phương của EU với các chương trình giảm phát thải carbon của các quốc gia khác có thể khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi trong cạnh tranh.