5 năm mua bảo hiểm trách nhiệm lãnh đạo của Vietinbank

Trần Anh - 14:47, 22/03/2019

TheLEADERViệc mua bảo hiểm cho ban lãnh đạo được Vietinbank thực hiện từ năm 2014, sau khi ngân hàng công khai là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như.

Hồi giữa tháng 2 vừa, Hội đồng quản trị ngân hàng Vietinbank đã thông qua việc ký Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị và cấp quản lý (D&O) giai đoạn 2019- 2020 với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Vietinbank (VBI).

Đây là năm thứ 5 Vietinbank mua bảo hiểm trách nhiệm cho các lãnh đạo. Đối tượng được mua bảo hiểm của Vietinbank từ cấp cao nhất trong Hội đồng quản trị đến các quản lý cao cấp.

Bảo hiểm D&O (Directors & Officers’ Insuranc) là một trong những công cụ bảo vệ các nhà quản lý được sửu dụng rộng rãi trên thế giới. Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, những giám đốc/nhà quản lý có thể vô ý mắc phải thiếu sót hoặc đưa ra quyết định sai gây nên những thiệt hại về mặt tài chính cho bên thứ 3. Đó chính là những nguy cơ rủi ro về trách nhiệm cá nhân dẫn tới việc các nhà quản lý bị khiếu kiện. Bảo hiểm D&O ra đời để chi trả cho những chi phí pháp lý và mức bồi thường của những vụ kiện thường ở mức rất cao này.

Với Vietinbank, việc mua D&O cho ban lãnh đạo được thực hiện kể từ năm 2014, sau khi ngân hàng công khai là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như.

Trong báo cáo kiểm toán năm 2014 của Vietinbank, hãng kiểm toán Deloitte đã nhấn mạnh Vietinbank đang là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và một số cá nhân nguyên là nhân viên của hci nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Nhà Bè. Ý kiến kiểm toán này được nhắc lặp lại liên tục trong các báo cáo hợp nhất của Vietinbank từ đó đến nay.

Tại Đại hội cổ đông năm 2014, Vietinbank đã thông qua việc tham gia và duy trì loại hình bảo hiểm D&O hàng năm nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu thỏa thuận chính sách về bảo hiểm giữa ngân hàng này và các cổ đông nước ngoài là ngân hàng BTMU (Nhật Bản) và IFC, nhằm tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra liên quan đến việc vi phạm hợp đồng và các tổn thất có thể xảy ra, đảm bảo quá trình hoạt động của ngân hàng an toàn.

5 năm mua bảo hiểm trách nhiệm lãnh đạo của Vietinbank
Logo Vietinbank bên ngoài một tòa nhà của ngân hàng

Là một trong 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nắm giữ tỷ lệ phần lớn, Vietinbank chiếm tỷ trọng huy động và cho vay cao trong toàn ngành. Lợi nhuận của ngân hàng cũng liên tục nằm trong nhóm 3 ngân hàng lãi cao nhất hàng năm.

Tuy nhiên, trong quý 4 năm ngoái, Vietinbank đã bất ngờ báo lỗ 853 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận cả năm của ngân hàng giảm mạnh 26% so với năm 2017 còn 6.742 tỷ đồng, thấp hơn các ngân hàng tư nhân như VPBank, Techcombank.

Số liệu báo cáo cho thấy, khoản lãi phải thu của ngân hàng đã giảm hơn 7.600 tỷ đồng, từ mức 14.523 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 6.905 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Đồng thời chi phí tín dụng tăng cao bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng.

Việc giảm lãi phải thu và ghi nhận tăng chi phí tín dụng bất thường cho thấy khả năng một số khoản cho vay của ngân hàng từng được ghi nhận thu nhập lãi vào báo cáo kết quả kinh doanh đã gặp vấn đề về khả năng trả nợ. Tuy nhiên ngân hàng không công bố chi tiết về các khoản cho vay này. 

Vietinbank cho biết trong quý cuối năm đã phải giảm quy mô tín dụng khoảng 34,3 nghìn tỷ đồng khiến thu nhập lãi giảm. Đồng thời góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng. Đến cuối năm ngoái nợ xấu của của Vietinbank tăng lên 1,56%, giá trị tuyệt đối là 13.516 tỷ đồng. Trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn gần 9.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Thông báo của Vietinbank cho biết, ngân hàng đã phải dành nguồn lực tài chính để xử lý tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 -2020 được NHNN phê duyệt. Theo đó, ngân hàng khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel II, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, làm một bộ phận nợ chuyển nhóm, tác động lãi dự thu và ảnh hưởng đến lợi nhuận quý cuối năm.

Không chỉ gặp vấn đề về chất lượng tài sản, Vietinbank đã bế tắc trong việc tăng vốn trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã xấp xỉ 30% trong khi sở hữu nhà nước tại ngân hàng đã giảm về dưới 65% - tối thiểu theo quy định hiện tại. Trong khi đó phương án sáp nhập với PG Bank để tạo room đã thất bại.

Phương án tăng vốn khác là chia cổ tức bằng cổ phiếu, bản chất là không có thêm tiền đổ vào ngân hàng. Phương án này phải được ĐHCĐ thông quan, nhưng cổ đông Nhà nước thể hiện mong muốn chia bằng tiền mặt khiến ngân hàng gặp khó.

Khả năng tăng vốn thành công bị bỏ ngỏ khiến Vietinbank phải chuẩn bị 2 kế hoạch kinh doanh trong năm 2019. Nếu không thể tăng vốn, ngân hàng chỉ có thể tăng trưởng tín dụng 6,8% và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ. 

Ngược lại, nếu tăng vốn thành công, Vietinbank kỳ vọng sẽ bứt phá trở lại trên thị trường và tìm lại vị thế vốn có của mình trong top 3 ngân hàng lớn nhất trong ngành.