9 ngày, 90 báo đăng 900 bài về vụ lụa “Made in China” của Khaisilk

Quang Anh - 17:31, 31/10/2017

TheLEADERNhững con số kể trên đủ nói lên độ “hot” của vụ xì-căng-đan mang tên “Khaisilk”.

Xì-căng-đan “Khaisilk” qua các con số báo chí

Gõ từ khóa “Khaisilk” trên thanh tìm kiếm của trang Baomoi.com, kết quả nhận được là 708 bài viết liên quan tính từ ngày 23/10, ngày vụ Khaisilk bán lụa có xuất xứ Trung Quốc nhưng khâu nhãn Made in Việt Nam chính thức lên mặt báo. Thời gian thực hiện tìm kiếm là 12h trưa ngày 31/10.

Thống kê cho thấy hơn 700 bài này được thực hiện bởi 88 báo điện tử khác nhau, chưa bao gồm Vnexpress, Dân trí…

Tìm trên trang Vnexpress thì thấy báo này cũng đã đăng 15 bài về vụ Khaisilk. Làm tương tự trên Dân trí thì kết quả nhận được là trên 30 bài.

Như vậy, nếu chỉ tính các báo điện tử cũng đã có ít nhất 90 báo đăng với hơn 750 bài. Nếu tính thêm số bài liên quan bị bỏ sót khi tìm kiếm, các bài đăng báo giấy và số bài tiếp tục được đăng đến hết ngày hôm nay, 31/10 thì con số hoàn toàn có thể lên đến 900 bài.

Tính ra, trung bình mỗi báo đăng 10 bài. Trong đó, khoảng 15 báo đã đăng trên 20 bài. Dân Trí, Lao Động, Người Đưa Tin, Tiền Phong, Đời Sống Plus, Zing… là những báo đăng nhiều bài nhất tính đến thời điểm người viết thống kê được.

Trong 9 ngày vừa qua, cao điểm đưa tin rơi vào hai ngày 26 và 27/10. Mỗi ngày này có xấp xỉ 200 tin bài liên quan đến vụ Khaisilk xuất hiện trên các trang báo điện tử.

Dư luận đã “đổ bê tông” “bia miệng” thương hiệu Khaisilk

Trên đây chỉ thống kê các bài báo. Còn một kênh khác cũng lan truyền và bình luận thậm chí còn sôi động và dày đặc hơn nhiều là Facebook và các trang mạng xã hội khác, cũng như qua truyền miệng.

Có thể thấy, chưa biết số phận pháp lý của chủ nhân Khaisilk và những người liên quan sẽ thế nào, còn linh hồn của thương hiệu Khaisilk thì đã được “chôn lấp” và “gắn bia” bởi dư luận rồi. Một khi “bia miệng” đã được đổ bê tông trên internet rồi thì gần như nó sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Không chỉ lụa, nhiều lĩnh vực kinh doanh khác của ông chủ Hoàng Khải như bất động sản, khách sạn nhà hàng… cũng sẽ điêu đứng. Cách duy nhất để các mảng kinh doanh này có thể tiếp tục sống là tự khai tử thương hiệu để sống dưới cái tên khác.

Ảnh chụp kết quả tìm kiếm (1/30 trang) theo từ khóa "Khaisilk" trên trang Báo Mới Lite.

Trong kinh doanh, chữ Tín là tài sản lớn nhất, là linh hồn của thương hiệu. Thương hiệu bất tín thì coi như chết. Ngược lại, nếu giữ được chữ Tín thì dù doanh nghiệp có thể phá sản do yếu tố kỹ thuật, thương hiệu vẫn có thể sống tiếp dựa trên những nguồn lực vật chất khác.