Tài chính
ABBank đặt mục tiêu vốn hoá tăng 10 lần
Với mức giá cổ phiếu xoay quanh mốc 8.000 đồng trong một năm qua, vốn hóa hiện tại của ABBank chỉ hơn 300 triệu USD.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với sự tham dự của 224 cổ đông, đại diện cho hơn 74% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của ABBank tăng 25% so với thời điểm đầu năm. Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 26% lên hơn 115.650 tỷ đồng. Tổng dư nợ tăng 15,7% lên gần 102.450 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,17%.
Mặc dù vậy, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ABBank chỉ đạt 513 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022 và chỉ đạt 18,2% kế hoạch đề ra là 2.800 tỷ đồng.
Lý giải điều này, ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán và các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn. Đồng thời giá trị dự phòng rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải trích lập tăng cao.
Hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế chung dần phục hồi, ABBank đã trình lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023.
Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13,3% lên gần 113.350 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13,5% lên hơn 116.270 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Dù kết quả kinh doanh sụt giảm về vùng "trũng nhất" của ngân hàng trong giai đoạn vừa qua, ban lãnh đạo ABBank đã đề ra chiến lược tái cấu trúc hệ thống phát triển của ngân hàng cùng tầm nhìn mục tiêu trong trung dài hạn.
Ông Hiếu cho biết ABBank đã xây dựng lộ trình đi đến mục tiêu 3 tỷ USD vốn hóa, ROA hơn 2% và tổng tài sản 15 tỷ USD vào năm 2028 theo “Chiến lược ngân hàng giai đoạn 2024-2028” cùng sự đồng hành của hãng tư vấn hàng đầu thế giới là McKinsey.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với các đối tác lớn như MayBank, IFC và hãng tư vấn McKinsey, ABBank sẽ thực hiện đồng loạt những thay đổi để có thể tạo những “cú hích” như các thương vụ M&A, niêm yết chuyển sàn sang HNX, HOSE để tăng khả năng huy động vốn, tăng cường quản trị minh bạch, tiếp cận làm việc với những cổ đông chiến lược mới cùng những câu chuyện phát triển mới, …
Theo ông Hiếu, ABBank không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, tăng lợi nhuận bằng mọi giá. Lợi nhuận và tính lành mạnh của danh mục cần phải song hành với nhau. ABBank đã xây dựng lộ trình đi đến mục tiêu trên một cách lành mạnh nhất.
Trong đó, bên cạnh việc trực tiếp cải thiện các chỉ tiêu tài chính như giảm tỷ lệ nợ xấu, duy trì tăng trưởng tài sản, tín dụng, … thì chuyển đổi số và tăng cường tỷ lệ thu phí dịch vụ được coi như hai mũi nhọn chính của ABBank trong chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Được biết, thu phí dịch vụ và bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối vẫn luôn là điểm sáng trong các mảng kinh doanh của ABBank sau nhiều năm. Tỷ lệ này trên tổng thu nhập đạt 20,4% trong năm vừa qua, tăng 12,3% so với năm 2022, trong bối cảnh chi phí vốn tín dụng quá cao, NIM (biên lãi ròng) của ABBank trong năm 2023 đã “giảm khủng khiếp” vì sụt giảm CASA và nợ xấu vẫn còn ở mức cao.
Về công cuộc chuyển đổi số, ABBank cũng đang thực hiện hàng loạt dự án, sáng kiến chiến lược nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và công tác chuyển đổi hệ thống, trong đó có những dự án trọng điểm như triển khai nền tảng số Omni Channel; dự án triển khai giải pháp Credit Enginee; dự án nâng cấp hệ thống LOS 2.0; hệ thống quản lý quan hệ khách hàng – CRM; triển khai giải pháp quản trị dữ liệu Datalake; …
Nền tảng giao dịch mới áp dụng với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng đã được triển khai thử nghiệm và sớm được ABBank chính thức sử dụng trong quý III tới đây, giúp tăng sức cạnh tranh cho ngân hàng.
Ngoài ra, về tầm quan trọng trong cơ cấu nhân sự, ABBank cho biết sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, cũng như mô hình quản trị theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất trên phạm vi toàn hệ thống.
Đồng thời về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, ABBank sẽ từng bước phát triển và cải thiện hành trình trải nghiệm nội bộ của nhân tài kể từ khi gia nhập tổ chức, xây dựng đề xuất chính sách đãi ngộ khuyến khích sáng tạo, đột phá, khích lệ sự cống hiến để đảm bảo thu hút và giữ chân được đội ngũ cán bộ chất lượng cao tại ngân hàng.
Dấu ấn ABBank ở các bất động sản liên quan đến Geleximco
HDBank và ePass ra mắt thẻ vạn năng '3 trong 1'
HDBank chính thức ra mắt "thẻ vạn năng" HDBank ePass3in1, góp phần cách mạng hóa thanh toán phí giao thông không dừng tại Việt Nam.
Sacombank Pay phiên bản mới với nhiều tính năng nổi bật
Sacombank chính thức ra mắt phiên bản 2.4.2 của ứng dụng Sacombank Pay, mang đến những cải tiến vượt trội nhằm nâng cao trải nghiệm ngân hàng số cho khách hàng.
Đầu tư vào Gen Z là đầu tư cho tương lai doanh nghiệp
Đầu tư vào Gen Z giờ đây không còn là một lựa chọn, mà là chiến lược bắt buộc để doanh nghiệp thành công trong tương lai.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 65 tỷ USD trong năm tới
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4 – 3,5% trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64 – 65 tỷ USD.
Những khách hàng đầu tiên nói gì về Omoda C5?
Trong tháng 12/2024, Omoda & Jaecoo Việt Nam đã bắt đầu hành trình mang đến những chiếc xe Omoda C5 đầu tiên cho khách hàng ngay tại sự kiện khai trương nhà phân phối mới.
Xuất khẩu gạo 2025 gặp nhiều thách thức
Sự trở lại của các đối thủ cạnh tranh và nhu cầu nhập khẩu bị thu hẹp sẽ khiến xuất khẩu gạo gặp nhiều thách thức trong năm tới.
Lotte Finance gỡ nút thắt nguồn vốn kinh doanh nhượng quyền
Gỡ nút thắt nguồn vốn, mô hình nhượng quyền tại Việt Nam sẽ không chỉ mở rộng nhanh chóng mà còn tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm mới.