Ai đang bị ‘bỏ lại phía sau’?

Phạm Sơn - 10:43, 09/12/2020

TheLEADERCác hộ kinh doanh và hợp tác xã không thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong khi khu vực này chiếm một phần không nhỏ trong nền kinh tế và đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề.

Ai đang bị ‘bỏ lại phía sau’?
Các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của bão Covid-19. Ảnh: Dân Việt.

Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam (VCA), khu vực hợp tác xã cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 cũng như những đợt thiên tai, bão lũ tương tự như các doanh nghiệp, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực du lịch và vận tải.

Phát biểu tại Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi, đại diện VCA cho biết, các hợp tác xã rất mong muốn tiếp cận được chính sách hỗ trợ, ưu đãi được Chính phủ ban hành để hỗ trợ ổn định và phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, hầu hết hợp tác xã khi đăng ký làm thủ tục xin hỗ trợ đều nhận được câu trả lời “không thuộc diện được hưởng chính sách” do không đăng ký theo Luật doanh nghiệp, không được quy định trên văn bản.

Đại diện VCA lập luận, hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng, tồn tại song song với các loại hình doanh nghiệp. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới quy định coi các thành viên trong hợp tác xã là doanh nghiệp vừa và nhỏ để được nhận hỗ trợ.

Do đó, mặt bằng pháp lý bình đẳng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã là điều vô cùng cần thiết, phù hợp với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm với VCA, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, không chỉ hợp tác xã mà các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng là đối tượng cần phải được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Ai đang bị ‘bỏ lại phía sau’?
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Báo Tiền phong.

Theo đó, dù chưa được công nhận là doanh nghiệp nhưng các hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30% GDP, cung cấp tỷ lệ lớn việc làm và thu nhập cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo ổn định xã hội.

“Quy định pháp lý không coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp nhưng bản chất kinh tế thì không thể nào thay đổi”, ông Lộc nhấn mạnh.

Mặt khác, nhóm lao động phi chính thức, lao động thời vụ cũng không tiếp cận với chính sách, trong khi lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất tới sinh kế do Covid-19.

Những vấn đề trên cho thấy chính sách hỗ trợ dù rất tốt về mặt ý định cũng như tính kịp thời, tuy nhiên lại không hiệu quả về mặt thực tế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các thành phần trong nền kinh tế.

Từ đó, ông Lộc đề xuất cần tiếp tục rà soát các chính sách, bổ sung thêm đối tượng nhận hỗ trợ, đồng thời nới lỏng điều kiện, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thực thi chính sách.

Chậm một ngày là doanh nghiệp chết, nhanh một ngày là doanh nghiệp sống. Trong bối cảnh khủng hoảng, ranh giới sinh tử của doanh nghiệp rất mong manh!
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Trong đó, bên cạnh khu vực phi chính thức và hợp tác xã, cần phải có những cơ chế riêng để hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời, ví dụ như ngành du lịch và hàng không.

Đặc biệt, đối với ngành hàng không, nhà nước đã có những chính sách để hỗ trợ cho Viet Nam Airline nhưng lại chưa quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, ngân hàng là lực lượng tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp với hiệu quả cao, tuy nhiên lại đang chịu rủi ro về nợ xấu cũng như suy giảm nhu cầu tín dụng. Vì vậy, theo ông Lộc, cần phải có biện pháp san sẻ gánh nặng cho ngành ngân hàng.

Để phát huy hiệu quả cao nhất, các chính sách cần được đưa ra kịp thời, tham vấn thêm ý kiến của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vốn không có nhiều cơ hội đề xuất ý kiến.