Ai giữ 'ngôi vương' thương mại điện tử Việt Nam?

Việt Hưng - 16:21, 28/12/2018

TheLEADERTheo công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus, bộ ba Shopee, Lazada và Tiki đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua tranh giành người dùng và xác lập vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế số.

Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus vừa công bố một báo cáo chuyên sâu về tình hình phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2018 so với các năm 2016 và 2017.

Nhìn chung, trong năm 2018, thị trường TMĐT Việt Nam đã có một năm phát triển sôi động. Theo số liệu mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hành vào cuối tháng 9/2018, doanh thu thương mại điện tử trong năm 2017 của Việt Nam đã đạt 6,2 tỉ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ứng dụng mua sắm trên di động đang ngày một phổ biến nhất

Theo công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus, thế hệ mua sắm chủ lực đang dịch chuyển dần sang Millenials và trong tương lai không xa sẽ là Thế hệ Z (Gen Z). Hai thế hệ này có điểm chung là dành rất nhiều thời gian trên mạng và sử dụng các thiết bị di động.

Vì lý do này, những ứng dụng mua sắm trên di động đang ra đời ngày càng nhiều nhằm nắm bắt và chuyển đổi “người dùng điện thoại di động” thành “người mua sắm”.

Tỷ lệ sử dụng ứng dụng điện thoại để mua sắm đã tăng từ 40% trong năm 2016 lên tới 72% trong năm 2018. Những ứng dụng mua sắm trên điện thoại này mang lại cho người dùng trải nghiệm mua sắm đơn giản, thuận tiện và mượt mà.

Ai đang nắm ngôi vương tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam?
Air Plus: Shopee đã vượt qua Lazada trở thành sàn TMĐT phổ biến nhất ở Việt Nam

Shopee trở thành sàn thương mại điện tử số một tại Việt Nam

Được rót vốn từ công ty mẹ SEA (Singapore), Shopee đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong năm 2018, chính thức vượt qua Lazada trở thành tên tuổi phổ biến nhất đối với người mua hàng trực tuyến. 

Theo Asia Plus, thứ tự bộ ba “ông lớn” trong làng thương mại điện tử hiện này lần lượt là: Shopee, Lazada và Tiki. Điều này đã được dự đoán trước với sự phát triển nhanh chóng của Shopee trong năm 2017.

Cụ thể, Asia Plus chỉ ra, Shopee là trang thương mại điện tử được người dùng nhớ đến nhiều nhất khi mua sắm cho các hạng mục: thời trang, làm đẹp và thực phẩm. Riêng lĩnh vực công nghệ/điện máy, dẫn đầu là Thế Giới Di Động, tiếp đến là Tiki.

Tuy nhiên, về mức độ hài lòng của khách hàng, Tiki lại cao hơn hẳn Shopee và Lazada: 46% khách mua hàng Tiki hài lòng về dịch vụ trong khi chỉ có con số này của Shopee chỉ là 22% còn Lazada là 24%.

Ba sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay đang nhắm tới các tập khách hàng với những sự khác biệt nhất định. Shopee có nhiều khách hàng nữ hơn khách nam, Lazada ngược lại khách hàng nam nhiều hơn khách hàng nữ còn Tiki thì khá cân bằng giữa hai nhóm. Shopee và Tiki có tập khách hàng trẻ trong khi tập khách hàng của Lazada hơi nhỉnh hơn một chút về độ tuổi.

Ai đang nắm ngôi vương tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam? 1
Thương mại điện tử qua mạng xã hội đang rất phát triển ở Việt Nam, theo số liệu của Air Plus

Thương mại qua mạng xã hội tiếp tục phát triển

Với độ “bao phủ” rộng khắp, mạng xã hội đã trở thành một kênh bán hàng và tiếp thị mới giúp doanh nghiệp tiếp cận và tương tác nhanh chóng với một số đông người dùng.

Asia Plus thống kê, trong năm 2018, tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt 70%, tăng nhẹ so với năm 2017. Trong số những người mua sắm qua mạng xã hội, 33% mua hàng qua cả Facebook và Zalo, 37% chỉ mua hàng qua Facebook.

Số người chỉ mua hàng qua Zalo khiêm tốn ở mức 2%. Ngay cả đối với những người mua hàng qua cả 2 mạng xã hội thì Facebook vẫn được dùng thường xuyên hơn (77% so với 5%).

Thương mại điện tử tương tác (social commerce) có nhiều triển vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019 khi xu hướng này đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhu cầu bán hàng trực tuyến của cá nhân đang gia tăng

Với sự thâm nhập cao của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Trong số hơn 1.000 người được hỏi, 25% đã từng hoặc đang bán hàng trực tuyến, Air Plus thống kê.

Mặt hàng được các cá nhân bán phổ biến nhất là đồ thời trang (39%) (bao gồm quần áo, phụ kiện, túi xách, v.v.), mỹ phẩm (28%) và đồ ăn, thức uống (25%). Không ngạc nhiên khi Facebook là trang bán hàng trực tuyến được các cá nhân sử dụng nhiều nhất với 66%. Cũng trong top 3 là Shopee - 49% và Lazada - 26%.

"Dù vẫn còn nhiều thách thức, thương mại điện tử Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn với quy mô dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020", công ty nghiên cứu này đánh giá.

Bên cạnh đó, cùng với việc các dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thay đổi lớn trong thời gian sắp tới.