Ba bước cho Quy hoạch điện VIII thành công

Nhật Minh - 18:38, 15/05/2021

TheLEADERChuyên gia nhận định để đảm bảo nền móng vững chắc cho Quy hoạch điện VIII, Việt Nam nên thúc đẩy, thay vì cạnh tranh giữa các nhà đầu tư điện tái tạo và các nhà đầu tư dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) dự kiến được phê duyệt vào cuối tháng 3 vừa qua đã không được thực hiện như kế hoạch.

Thay vì xem đây là sự chậm trễ, việc hoãn thông qua bản quy hoạch nên được nhìn nhận như một cơ hội “có một không hai” để rà soát và cải thiện cấu trúc thị trường điện Việt Nam trong tương lai, theo báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA).

Quy hoạch phát triển điện mới không nên giới hạn Việt Nam vào những lựa chọn thiếu hoàn hảo trong khi có cơ hội để thiết kế hệ thống điện sao cho các lựa chọn vẫn rộng mở, và từ chối những lối đi mà theo đó, Nhà nước và người dân sẽ phải chịu rủi ro về giá điện tăng không giới hạn.

Theo IEEFA, chìa khóa để định vị lại Quy hoạch điện VIII nằm ở việc nhận ra rủi ro hình thành giá đối với công nghệ nào sẽ là cao nhất, và thiết kế các cơ chế thị trường phản ánh đường cong chi phí thực tế của công nghệ.

Các nhà quy hoạch cũng cần phải ưu tiên các đặc tính của thị trường là quan trọng nhất đối với các chủ đầu tư dự án có đủ năng lực về vốn, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp phải những rào cản tiếp cận nguồn vốn không thể chối cãi.

Theo tác giả báo cáo Melissa Brown, bất kỳ lựa chọn nào đưa ra ở thời điểm này cần phải tập trung vào những đánh đổi đặc biệt mà Việt Nam có thể phải đưa ra giữa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới.

Ví dụ, các nhà quy hoạch cần đặt câu hỏi rằng liệu kết hợp năng lượng tái tạo và pin lưu trữ có thể làm giảm rủi ro cắt giảm công suất tại các nhà máy điện tái tạo đủ để thức đẩy cạnh tranh về giá và mở ra nguồn vốn giá rẻ.

Ngoài việc chú trọng vào cơ hội hình thành giá, ưu tiên thứ hai là tập trung vào các lựa chọn đầu tư sẽ giúp mở rộng, chứ không phải hạn chế các phương án tích hợp các loại hình công nghệ mới sẽ được thị trường kiểm nghiệm.

Đảm bảo sức chống chịu và “không hối tiếc ở tương lai” có vẻ như là những mỹ từ của các tổ chức tư vấn chiến lược, nhưng trong trường hợp của Việt Nam, những vấn đề này còn quan trọng hơn là việc tinh chỉnh các giả định về cơ cấu năng lượng cho thời kỳ sau năm 2030.

Như nhiều nhà bình luận thị trường đã thừa nhận, các quyết định mà các thị trường mới nổi đưa ra liên quan đến ngành điện bây giờ có thể đưa họ tới thất bại hoặc thành công trong chín năm tiếp theo.

Đó là lý do tại sao các thị trường năng lượng tăng tưởng trong khu vực với rủi ro khí hậu cao như Bangladesh và Philippines đang đón nhận cách nhìn nhận này để tránh bị ràng buộc vào một lựa chọn công nghệ nhất định và tập trung ưu tiên đầu tư vào lưới điện.

Ba bước cho Quy hoạch điện VIII thành công
Cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện trọng điểm có khả năng giúp cải thiện hiệu quả vận hành của các nguồn điện sẵn có. Ảnh: EVN.

Bà Melissa Brown lưu ý Việt Nam cần quay lại xem xét các yếu tố nền tảng của dự án điện và động lực thị trường trong bối cảnh các nhà đầu tư dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tích cực vận động thời gian qua, tạo nên một bức tranh hỗn loạn.

Theo đó, một số dự án đang dành lấy vị trí ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII lại đưa ra những yêu cầu căn bản trái ngược hoàn toàn với những thành quả mà các nhà hoạch định chính sách đã đạt được trong việc xây dựng một cơ chế hợp tác công – tư (PPP) có kỷ luật và các tiêu chuẩn lựa chọn dự án nghiêm ngặt.

Ba bước cơ bản

Vị chuyên gia khuyến nghị có ba bước cơ bản mà Bộ Công thương có thể thực hiện để đảm bảo nền móng vững chắc hơn cho Quy hoạch điện VIII. 

Thứ nhất, tăng hiệu quả vận hành của các nguồn điện hiện có thông qua các khoản đầu tư lưới điện có chọn lọc.

Trong ngắn hạn, để giảm áp lực bổ sung công suất nguồn điện đi kèm với cam kết bao tiêu dài hạn từ các dự án điện có khả năng trở nên thiếu cạnh tranh trong tương lai, cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện trọng điểm có khả năng giúp cải thiện hiệu quả vận hành của các nguồn điện sẵn có và gia tăng sản lượng phát lên lưới của các nhà máy điện tái tạo ở vị thế chiến lược.

Nỗ lực này sẽ giúp ổn định lưới điện và hỗ trợ thúc đẩy việc hình thành các điều khoản hợp đồng có lợi hơn trong tương lai, nếu Bộ Công thương có thể thúc đẩy các cơ chế cấp vốn tốt hơn từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc các chiến lược tăng cường tín dụng mới dành cho các nguồn điện đa dạng và lưu trữ năng lượng.

Thứ hai, cam kết sớm triển khai đấu thầu cạnh tranh cho các nhà máy điện kết hợp với pin lưu trữ để thúc đẩy cạnh tranh và giảm rủi ro cắt giảm công suất.

Ba bước cho Quy hoạch điện VIII thành công 1
Sự bùng nổ của năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió so với các nguồn điện truyền thống đang gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống điện. Ảnh: EVN.

Việc hình thành nhanh chóng một lượng lớn công suất điện tái tạo trong hai năm vừa qua khiến Việt Nam giờ đây có thể thu về mức giá chào bán điện rẻ hơn từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm đã tham gia thị trường, miễn là rủi ro cắt giảm công suất được kiểm soát.

EVN đã đưa ra cảnh báo sớm về việc cắt giảm năng lượng tái tạo 180 – 400 triệu kWh mỗi tháng trong nửa cuối năm nay. Nguyên nhân là sự kết hợp của việc nâng cấp lưới điện 500kV và dư thừa nguồn cung trong mùa mưa.

Sự gián đoạn này gây thiệt hại cho các chủ nhà máy điện tái tạo đang vận hành với các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện (PPA) khiến họ phải chấp nhận các rủi ro về thị trường kiểu này.

Điều này khác với những chủ nhà máy nhiệt điện được đảm bảo thanh toán cố định theo hợp đồng.

“Trong tương lai, Bộ Công thương có cơ hội tuyệt vời để có được mức giá mua điện tốt hơn, phản ánh đúng đường cong chi phí bằng cách đưa ra những động lực để các chủ đầu tư dự án điện tái tạo tiến hành những khoản đầu tư giúp giảm rủi ro bị cắt giảm công suất, trong khi vẫn có thể hưởng lợi từ hệ thống”, bà Melissa Brown nhấn mạnh.

Việc tổ chức đấu thầu các dự án điện tái tạo kết hợp pin lưu trữ mới sẽ giúp thực hiện được điều này. Nếu kết hợp với sự phát triển của thị trường pin lưu trữ và dịch vụ phụ trợ, Việt Nam sẽ ở vị thế tốt để tạo động lực các nhà đầu tư dài hạn có thể phát triển cùng thị trường và thu hút nguồn vốn tín dụng xanh với giá cạnh tranh từ nước ngoài.

Thứ ba, mọi bên tham gia đều phải chấp nhận rủi ro thị trường.

Bà Melissa Brown nhận định: “Đã đến lúc Bộ Công thương nên tự tin nhìn nhận rằng việc đầu tư vào thị trường điện Việt Nam không cần phải đi kèm với những bảo lãnh chính phủ hào phóng như trước đây, đặc biệt là khi những cam kết đó thường khiến bên vận hành hệ thống mất đi tính linh hoạt khi điều độ nguồn điện”.

Kinh nghiệm từ các dự án năng lượng tái tạo đã chỉ ra rằng những yêu cầu take-or-pay (nhận mua hoặc thanh toán) trong hợp đồng mua bán nhiên liệu và thoả thuận bao tiêu sản lượng điện từ một vài các nhà tài trợ dự án nhiệt điện khí LNG thực ra chỉ là một chiến thuật thương lượng bước đầu.

Các tập đoàn năng lượng toàn cầu đang tìm cách gia nhập thị trường LNG của Việt Nam đều là các bậc thầy trong việc kiểm soát rủi ro giá nhiên liệu – điều này được thể hiện qua lợi nhuận kinh doanh của họ.

Do các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo hàng đầu thường xuyên phải chấp nhận rủi ro thị trường tại Việt Nam, đã đến lúc cần tạo ra sân chơi bình đẳng để tất cả các chủ đầu tư dự án và nhà cung cấp chính của họ đều phải tập trung vào việc tạo ra mức giá điện phải chăng cho người tiêu dùng Việt Nam.

Việt Nam cần nắm bắt tiềm năng kinh tế của các nguồn điện phát thải các-bon thấp, và thừa nhận rằng năng lượng tái tạo, chứ không phải nhiệt điện LNG, mới là chuẩn mực được các tập đoàn toàn cầu săn lùng nhiều nhất.

Khi các tập đoàn điện tử toàn cầu như Samsung hay các nhãn hiệu thời trang như Nike đang thúc đẩy cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp (DPPA), rõ ràng là các nhà đầu tư doanh nghiệp đang trông đợi một cam kết từ phía chính phủ rằng Việt Nam sẽ chú trọng phát triển năng lượng tái tạo chi phí thấp.

“Đây là chìa khoá để Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng, trở thành điểm hẹn đầu tư cho chuỗi cung ứng phát thải ít các-bon toàn cầu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.