Ba 'hàng rào' ngăn vốn ngoại đổ vào năng lượng tái tạo

Minh Nhật - 14:51, 01/06/2022

TheLEADERYêu cầu từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ lĩnh vực điện gió vốn đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, sẽ sớm vượt quá khả năng cho vay của nhiều ngân hàng trong nước, từ đó đặt ra yêu cầu gỡ bỏ các hạn chế để thu hút vốn ngoại.

Ba 'hàng rào' ngăn vốn ngoại đổ vào năng lượng tái tạo

Tuần cuối tháng 5 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Trong chuyến đi này, Phó thủ tướng đã gặp bà Amanda Murphy, đồng Giám đốc Khối ngân hàng thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của HSBC, để thảo luận về một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là mục tiêu chuyển dịch sang phát thải cân bằng.

Việt Nam đề ra quyết tâm đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, và nhất trí tham gia cam kết từng bước từ bỏ điện than vào thập niên 2040 (hoặc sớm nhất có thể sau thời điểm này). Cam kết này sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững hơn.

Kể từ sau khi đưa ra cam kết, Chính phủ đã lên nhiều kế hoạch nhằm tăng tốc tiến độ “xanh hóa Việt Nam”, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sử dụng điện làm nguồn năng lượng cho các hoạt động đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải carbon ở các lĩnh vực kinh tế, và đòi hỏi Việt Nam có nguồn cung năng lượng tái tạo quy mô lớn.

“Đây chính là chìa khóa giúp chúng ta dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm phát thải trong vận tải đường bộ và trong nhiều hoạt động công nghiệp”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.

Nhu cầu điện sạch gia tăng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu điện của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD, trong đó, hơn 18 tỷ USD rót vào các ngành chế biến và sản xuất vốn sẽ cần sử dụng nhiều điện. Đó là chưa kể nhu cầu điện hàng ngày của gần 100 triệu người dân, và con số này còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, tổng nhu cầu điện của Việt Nam sẽ đạt trên 100GW vào năm 2025 và 150GW vào năm 2030, trong số đó, 36GW và 50GW tương ứng sẽ là năng lượng tái tạo, tương đương mức trung bình khoảng hơn 30%.

Theo đó, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 116 tỷ USD vào xây dựng nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện tới năm 2030, và gần 230 tỷ USD tới năm 2045, đưa công suất sau khi lắp đặt dự kiến lên đến khoảng 330GW theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch cũng khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) từ khoảng 13% tại thời điểm hiện tại lên tới gần 30% năm 2030, và 44% năm 2045.

Ba hạn chế ngăn vốn ngoại đổ vào năng lượng tái tạo
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Việt Nam là nước tiêu thụ điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, và là một trong những nước có mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, quốc gia này buộc phải tìm cách để phát triển ngành điện để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ông Tim Evans nhận định Chính phủ sẽ không thể một mình giải quyết thách thức này, bởi nhu cầu như vậy đòi hỏi sự tham gia của cả khối tư nhân nhằm đảm bảo Việt Nam có đủ và đúng loại năng lượng cần để tiếp tục phát triển bền vững.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần nguồn điện “xanh và sạch” hơn để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững, đặc biệt là để hiện thực hóa tham vọng cân bằng phát thải công bố tại COP26.

Như Phó thủ tướng chia sẻ, không dễ để vừa đảm bảo an ninh năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng vừa giảm phát thải, Việt Nam cần thêm sự hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị để giúp giải bài toán khó này.

Yêu cầu từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ lĩnh vực điện gió vốn đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, sẽ sớm vượt quá khả năng cho vay của nhiều ngân hàng trong nước. Do đó, những ngân hàng nước ngoài như HSBC có thể đóng vai trò khai mở dòng đầu tư từ thị trường vốn quốc tế, ông Tim Evans chia sẻ.

“Khi xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở nên phổ biến hơn, các nhà đầu tư cũng quan tâm hơn đến các cơ hội đầu tư bền vững. Chúng tôi nhìn thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư dành cho Việt Nam và đang làm việc với họ để dẫn nguồn vốn đó tới các dự án xanh nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng bền vững với chi phí hiệu quả”.

Khảo sát gần đây của HSBC chỉ ra rằng, là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thế giới hiện nay, phát triển bền vững ở Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quốc tế đang hoạt động tại đây cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính trong báo cáo gần đây cũng nhấn mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng nhạy cảm trước những áp lực của công chúng về sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, cũng như với khẩu vị đầu tư chú trọng các tiêu chí ESG của các nhà đầu tư tổ chức.

Đầu năm nay, HSBC đã công bố cam kết giúp thu xếp 12 tỷ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam tới 2030, thuộc một phần trong tham vọng của Tập đoàn HSBC bao gồm cung cấp từ 750 triệu đến 1 tỷ USD tài trợ và đầu tư bền vững đến năm 2030.

Tới thời điểm hiện tại, HSBC đã góp phần thu xếp được 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho nhiều dự án khác nhau ở Việt Nam, tương đương với 10% con số đã cam kết. Các dự án này thuộc nhiều lĩnh vực từ phương tiện chạy điện, tòa nhà xanh, tái chế nhựa và năng lượng tái tạo.

Khai phóng tiềm năng

Quá trình dịch chuyển năng lượng đặt ra không ít thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam. Nỗ lực của Chính phủ trong việc đa dạng hóa nguồn điện với ưu tiên đặc biệt dành cho các dự án năng lượng tái tạo đã giúp Việt Nam có được vị thế quan trọng để trở thành một điểm đến đầu tư năng lượng sạch hàng đầu.

Nhằm khai mở nguồn vốn từ nước ngoài cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ông Tim Evans đề xuất các cơ quan chức năng xem xét một số quy định hạn chế hiện tại.

Cụ thể, hạn chế không cho phép sử dụng khoản vay nước ngoài vào mục đích thanh toán nợ trong nước là rào cản đối với việc tái cấp vốn nước ngoài cho các khoản nợ trong lĩnh vực xanh do các ngân hàng Việt Nam cung cấp. Gỡ bỏ rào cản này sẽ giúp tăng khả năng hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực xanh của các ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, giới hạn vay đối với một khách hàng của tổ chức tín dụng làm hạn chế giá trị đảm bảo các ngân hàng Việt Nam có thể cung cấp so với Cơ quan bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (ECA) và các tổ chức tài chính quốc tế. Chia sẻ rủi ro rất quan trọng đối với các dự án cần vốn lớn.

Ngoài ra, liên quan đến xây dựng một hành lang pháp lý cho các khoản vay xanh ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp đồng bộ trên toàn ngành tài chính để chứng nhận tài chính xanh là rất cấp thiết để xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính xanh (hay còn gọi là “tẩy xanh” – greenwashing).

“Những gì chúng ta đã đạt được rất đáng khích lệ, nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng so với tiềm năng to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều dự án xanh trong tương lai mà chúng tôi rất hào hứng tham gia hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu bền vững ở Việt Nam và cho Việt Nam”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ.