Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất phương án đầu tư vành đai 4 - TP.HCM

Nguyễn Cảnh - 09:32, 13/06/2021

TheLEADERBà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Bộ Giao thông vận tải một số cơ chế liên quan tới công tác đầu tư tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM (đoạn qua địa phương).

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất phương án đầu tư vành đai 4 - TP.HCM
Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 – TP.HCM

Đường vành đai 4 – TP.HCM có tổng chiểu dài 200km đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (chiều dài 18km), Đồng Nai (45km), Bình Dương (48km), TP.HCM (20km) và Long An (67,9km). 

Theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt, quy mô mô đầu tư với bề rộng 67-74,5m cho 6-8 làn cao tốc ở giữa và đường song hành chạy suốt mỗi bên cho tổng cộng 4 làn xe cơ giới và thô sơ.

Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải (cảng trung chuyển quốc tế thuộc nhóm cảng đặc biệt của quốc gia) với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia.

Đoạn tuyến qua địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu (đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn xã Cù Bị, huyện Châu Đức) chưa được đầu tư có chiều dài khoảng 18km. 

Dự kiến, phương án phân kỳ đầu tư hoàn thiện quy mô 4 làn cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 5.375 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 1.446 tỷ đồng. 

Ước tính số năm thu phí dự kiến, mức phí 1.700 đồng/km khoảng 19,5 năm, nhà nước hỗ trợ 2.570 tỷ đồng.

Về nguyên tắc phân chia dự án thành phần đầu tư theo địa bàn, mỗi dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó bao gồm các đoạn đầu tư PPP và các đoạn đầu tư công. Không tính chi phí các đoạn đầu tư công trong vốn đầu tư Nhà nước của dự án PPP. Mức thu phí chỉ tính toán trên các đoạn đầu tư PPP.

Nhằm triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 4 – TP.HCM được nhanh chóng, đồng bộ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và các cơ chế liên quan.

Thứ nhất, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng, Quốc hội giao (hoặc ủy quyền) cho HĐND các địa phương thực hiện thẩm quyền chuyển mục đích đất rừng, đất trồng lúa liên quan tới dự án và các khu vực dự kiến tạo quỹ đất bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Về huy động vốn, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất chủ trương đầu tư đường vành đai 4 - TP.HCM bằng nguồn vốn của địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, nguồn vốn hỗ trợ một phần của ngân sách trung ương và nguồn vốn của doanh nghiệp theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, đoạn tuyến trên địa phận tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị việc giao (hoặc ủy quyền) cho HĐND địa phương quyết định việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến dự án như: quy hoạch hướng tuyến, quy mô tuyến, quy hoạch phát triển các khu đất dọc theo tuyến (xây dựng khu vực kinh tế, khu dân cư, khu công nghiệp...).

Về tỷ lệ vốn góp nhà nước, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng cho phép tách riêng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư không tính vào dự án PPP để thuận lợi cho phương án tính toán xác định về tỷ lệ vốn góp nhà nước và xác lập cơ chế hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương cho dự án, phù hợp với Luật Đầu tư PPP.