Bạc Liêu thu hút 81.000 tỷ đồng phát triển năng lượng tái tạo

Tiêu Phong - 05:50, 31/01/2018

TheLEADERNhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đã được cấp phép đầu tư tại tỉnh Bạc Liêu

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2018 đã có 110.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu. 

Bao gồm 10 dự án được trao chứng nhận đầu tư, 20 dự án cấp phép đầu tư, trong đó, riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo có số vốn đăng ký đầu tư lên đến trên 81.000 tỷ đồng.

81.000 tỷ đồng đổ vào Bạc Liêu phát triển năng lượng tái tạo
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Một số dự án năng lượng lớn có thể kể đến như dự án Nhà máy điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. 

Dự án được UBND tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn SY (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hồi tháng 9/2017, quy mô 400ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.240 tỷ đồng (khoảng 450 triệu USD). 

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50MW, giai đoạn 2 đạt công suất 300MW. 

Trong ngày 30/1, tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức khởi công Khu nông nghiệp công nghệ cao, một khu phức hợp quy mô lớn để phát triển tôm công nghệ cao. 

Tập đoàn Việt - Úc là một trong những nhà đầu tư mô hình nuôi tôm lớn nhất tại đây với Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. 

Dự án trên tổng diện tích 315ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao bao gồm khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.

Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ sử dụng hơn 2.000 lao động địa phương. Sản lượng dự kiến đạt trung bình 120 - 300 tấn/ha/năm với mật độ thả 500 con giống/m2.

Theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ tháng 5/2017, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu với tổng diện tích tự nhiên 418,19ha.

Mục tiêu dự án là hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao xây dựng các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Yêu cầu về quy hoạch dự án phải dành ít nhất 60% diện tích cho xây dựng nghiên cứu ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đào tạo nhân lực và cung ứng dịch vụ cho ngành tôm.