Vì sao xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm?

Lê Hương - 15:50, 05/09/2017

TheLEADERTrong Top 5 nguồn cung chính cho Mỹ, xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Mỹ đang có xu hướng giảm khá mạnh cả về khối lượng và giá trị.

Vì sao xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm?
Tôm Việt Nam đang giảm sức cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Nguồn: Vasep

Tiếp tục xu hướng giảm của quý IV/2016, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 2 quý đầu năm 2017 đạt 276,4 triệu USD, giảm 7,5%. Tính tới ngày 15/7/2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đạt 306,5 triệu USD; giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động từ việc Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11).

Bên cạnh đó, đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ) cũng phần nào làm giảm lượng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2016, Mỹ nhập khẩu 605.711 tấn tôm, trị giá 5,7 tỷ USD; tăng 3% về khối lượng và 4% về giá trị so với năm 2015. Hai quý đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục tăng nhập khẩu 287.255 tấn tôm, trị giá 2,8 tỷ USD; tăng 9% về khối lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Sáu tháng đầu năm 2017, Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm trên 30,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào Mỹ. Tiếp đó Indonesia chiếm 20,5%; Thái Lan chiếm 11,5%, Ecuador 10,8% và Việt Nam đứng thứ 5 chiếm gần 9%.

Trong tốp 5 nguồn cung chính cho Mỹ, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ấn Độ tăng trưởng tốt nhất 59% và 64% lần lượt về khối lượng và giá trị; nhập khẩu từ Việt Nam giảm nhiều nhất lần lượt và 17% và 16%.

Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Ecuador là các nguồn cung cấp tôm chính cho thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm nay và hầu hết các nước đều bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Thế nhưng, do mức thuế chống bán phá giá (CBPG) Mỹ áp cho tôm Việt Nam cao nên sức cạnh tranh tôm của Việt Nam ở thị trường Mỹ kém hơn.

Mới đây, DOC quyết định dựa trên mức lương ở Ấn Độ để làm quy chiếu so sánh với Việt Nam thay vì dùng mức lương ở Bangladesh như trước đây. Quyết định này cũng làm tăng thuế CBPG đối với tôm Việt Nam.

Mặc dù thuế CBPG cao nhưng do nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ tăng nửa cuối năm nay, nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giai đoạn này dự kiến tăng so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao.

Do khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu ổn định. 

Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định của Mỹ về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất đồng thời chủ động phối hợp tích cực với cơ quan Nhà nước trong đàm phán tháo gỡ thị trường và đấu tranh với những quy định của Mỹ có tác động bất lợi tới xuất khẩu của Việt Nam để từ đó duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chủ lực này.