BacA Bank mua cổ phần công ty xếp hạng tín nhiệm

Trần Anh - 11:38, 19/07/2022

TheLEADERNgân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho BacA Bank mua 5,1% cổ phần của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), đơn vị mới được thành lập vào cuối năm ngoái.

Ngày 11/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á ( BacA Bank). Theo đó, BacA Bank được góp vốn, mua cổ phần vào VIS Rating với số tiền tối đa là 5,26 tỷ đồng (tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,1% vốn điều lệ của VIS Rating).

BacA Bank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục góp vốn, mua cổ phần vào VIS Rating theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó ngân hàng cần đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, giá trị thực của vốn điều lệ trước và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của NHNN.

Ngân hàng cần lưu ý về việc VIS Rating phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (đã sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật khác có liên quan khi xếp hạng tín nhiệm.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NHNN ra văn bản chấp thuận, BacA Bank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần vào VIS Rating. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.

Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) được thành lập vào ngày 30/11/2021, với quy mô vốn điều lệ 103,14 tỉ đồng. Đây là một trong những công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tiên của Việt Nam.

Công ty được sáng lập bởi 6 cổ đông, trong đó Moody’s Singapore sở hữu 49% vốn điều lệ. Tiếp đến là Dragon Capital Finance Limited, sở hữu 10,2% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại của gồm: Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty TNHH Chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Nam Á và Công ty Chứng khoán VPS.

Khi thành lập, Chủ tịch HĐQT VIS Rating kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Hiện tại, đại diện pháp luật của VIS Rating đã chuyển sang ông Phạm Phú Khôi, Phó chủ tịch VBMA.

Kể từ năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó thị trường trái phiếu cũng phát sinh nhiều hệ lụy, đáng chú ý nhất là những sai phạm trong thương vụ phát hành trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Sự xuất hiện của các công ty xếp hạng tín nhiệm được xem là phương pháp hữu hiệu giúp nhà đầu tư phòng tránh rủi ro. Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm đi kèm lộ trình thực hiện.

Điều này nhằm từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2023, khi doanh nghiệp chào bán trái phiếu, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Hiện tại, công ty xếp hạng tín nhiệm hoạt động tích cực nhất trên thị trường là FiinRatings thuộc FiinGroup. Công ty này đã công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm cho nhiều doanh nghiệp như Bamboo Capital, F88, VietCredit, Bất động sản An Gia, Văn Phú Invest và Công ty chứng khoán MBS.