Bán lẻ đa kênh sẽ là tương lai của ngành Thương mại điện tử

Quỳnh Như - 14:14, 23/11/2017

TheLEADER“Sau nhiều năm lăn lộn với thương mại điện tử (TMĐT) thuần online, trải qua rất nhiều thất bại, đau thương, tôi mới nhận ra, bán lẻ đa kênh (OmniChannel) mới là tương lai của ngành TMĐT Việt Nam”

Anh Lê Thiết Bảo chia sẻ trong cuộc tọa đàm “Làm gì để phát triển nhanh thương mại điện tử tại Việt Nam” do TheLEADER tổ chức ngày 21/11/2017 tại TP HCM. Tọa đàm có sự tham gia của các thương hiệu hàng đầu như TIKI, FADO, Mắt Bão, Nguyễn Kim, DKT TP HCM, Speed Up… và đại diện của Sở Công Thương TP HCM

Vì sao là OmniChannel?

“Tôi bắt đầu làm TMĐT khá sớm. Tôi là một trong 3 người sáng lập website Sendo. Tôi đã lăn lộn trong ngành này, kinh qua đủ các mô hình TMĐT- doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với khách hàng (B2C)... Trải qua đủ món ăn chơi khác nhau, đã “nằm gai nếm mật” ở đủ thể loại. Có thời điểm, tôi cũng làm vị trí CEO của deca.vn, quản lý khoản 200 người. Website đó giờ đã đóng cửa, tôi cũng đã có nhiều thay đổi trong công việc…

Hiện tại, tôi hơi mất niềm tin vào mô hình thuần online, nên chuyển sang làm mô hình lai giữa online và bán lẻ. Từ 2016, sau deca.vn, tôi tham gia vào OmniChannel, một thể thức kinh doanh khá mới của ngành bán lẻ ở Việt Nam. OmniChannel là sự kết hợp giữa bố là bán lẻ và mẹ là online. Bố mẹ này sẽ sinh ra một đứa con "vừa online, vừa bán lẻ", tập hợp tất cả các kênh bán lẻ (universal). Theo quan điểm cá nhân của tôi, đây mới là tương lai của ngành TMĐT Việt Nam”, anh Bảo chia sẻ.

Bán lẻ đa kênh sẽ là tương lai của ngành Thương mại điên tử
Ông Lê Thiết Bảo: "Tôi hơi mất niềm tin vào mô hình thuần online, nên chuyển sang làm mô hình lai giữa online và bán lẻ"

“Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ của bán lẻ. Công ty Thế giới Di động mở mấy ngàn cửa hàng, Vinmart và FPT Shop cũng mở mấy trăm cái. Nguyễn Kim cũng có mấy chục cái. Bây giờ, còn bùng nổ chuỗi cửa hàng kiểu 24 giờ. Online về bán lẻ sẽ là cái tiếp theo offline. Nó sẽ là tương lai tiếp theo của TMĐT”.

Sau khi offline bán lẻ mở tràn lan và bão hòa, thị trường sẽ dần quen với cách mua sắm trực tiếp và gián tiếp (online) của các nhà đó. Lúc đó, khách hàng sẽ nảy ra một nhu cầu mới: Cách liên kết giữa các nhà vì mỗi nhà chỉ chuyên một món, như Nguyễn Kim chuyên về điện máy, Thế giới Di động chuyên về điện thoại, Vinmart chuyên về hàng tiêu dùng….

Lúc đó, một câu hỏi mới sẽ nảy sinh là : Đâu là cầu nối của tất cả các nhà đó? Phải có một nền tảng nào đó, tập hợp lại tất cả những mặt hàng kể trên lại. Một cái như vậy sẽ là Amazon hay Lazada – thuần online.

Tiến trình phát triển của ngành bán lẻ sẽ đi theo từng bước một và hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ được cải tạo qua từng bước đó.

Tiếp theo sẽ là OmniChannel, khi các nhà bán lẻ sẽ đẩy mạnh các kênh bán hàng online của mình. Hiện tại, bán lẻ qua mạng chỉ chiếm 5%, trong tương lai sẽ tăng lên 10% đến 20%. Trừ Trung Quốc đi tắt, còn những thị trường lớn có ngành TMĐT phát triển lâu đời như Mỹ, châu Âu, họ đều đi theo đúng tiến trình này.

Có thể, Việt Nam mình có hệ thống công nghệ xuất phát điểm mạnh hơn những anh kia, nhưng ngành TMĐT cũng phải có hệ thống bán lẻ tốt, để có thể hướng dẫn người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng ở chợ, siêu thị lên mạng. Bước chuyển này không dễ, phải có lộ trình, đó là lý do vì sao tôi chuyển niềm tin sang OmniChannel.

Vì sao mất niềm tin vào TMĐT thuần online?

Theo anh Bảo, đây giống như là câu chuyện con gà hay quả trứng có trước và giải thích lý do vì sao tất cả công ty TMĐT lớn hiện tại ở Việt Nam từ Lazada, Tiki, Adayroi… đều than lỗ.

“Để có thể nhanh chóng thành công, các công ty TMĐT không thể bị động ngồi chờ khách hàng đến. Họ phải tìm mọi cách để tiếp cận và lôi kéo khách hàng nhanh nhất có thể. Mà hiện tại, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam vẫn là ưu tiên về giá, những thứ như uy tín hay chất lượng vẫn đang xếp sau.

Ví dụ, lúc tôi bán hàng cho mẹ và bé qua mạng cách đây vài năm. Lúc đó, doanh thu một tháng là 1,5 triệu USD, nhưng vẫn lỗ. Lý do: Chúng tôi đã chi số tiền khổng lồ để lôi kéo các mẹ lên mua sắm trên mạng và phải hạ giá xuống thấp nhất có thể so với thị trường, vì các mẹ có rất nhiều thời gian rảnh để dò giá từng món hàng ở khắp nơi.

Năm 2013, khi có một bạn hỏi tôi có nên lập một sàn TMĐT hay không, tôi đã trả lời: Trừ phi em có vài ngàn tỷ để ném qua cửa sổ thì hẳn làm. Đừng đầu tư vào "mặt trận" TMĐT, mà hãy đầu tư vào "vũ khí" như súng ống đạn dược để xúc tiến cho nó. Thế là, bạn đó về sáng lập ra Giao Hàng Nhanh và hiện đang ăn nên làm ra.

Theo tôi, việc lấy tiền từ nhà đầu tư để bù cho việc bán hàng lỗ là không bền vững. Đồng ý, kinh doanh thì phải có lúc này lúc kia, nhưng lỗ cũng phải có chiến lược, chứ không nên theo kiểu lấy tiền ra "cân" nhau.

Tôi muốn vừa mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng phải "đốt" ít tiền và phải có lời. Theo tôi, hình thức OmniChannel đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên”, anh Bảo nói

Ngoài ra, một nguyên nhân khác quan trọng không kém là Việt Nam vẫn thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ một cách tốt nhất cho ngành TMĐT. Dường như, ngành TMĐT không hề được đề cập đến trong các chính sách vĩ mô.

“Hiện tại, logistic chiếm 25% chi phí trong ngành TMĐT. Chi phí thanh toán trực tuyến rất cao, từ 1 đến 2%. Tại sao nhà nước có thể miễn thuế một phần cho nhân sự và công ty về công nghệ mà không làm như thế với công ty TMĐT?

Với thực trạng như thế, tôi không tin những con số mà Nielsen đã thống kê là doanh số thương mại điện tử Ở Việt Nam 2016 là 4 tỉ USD.

Nếu có cộng hết doanh thu của 10 công ty TMĐT ở Việt Nam năm 2016 cũng chỉ vào khoảng 1 đến 1,5 tỷ USD chứ không thể lên con số 4 tỷ USD. Con số 4 tỷ USD có thể là cộng cả thẻ cào điện thoại, vé may bay… Thế nên, dự đoán trong 5 năm tới sẽ tăng lên 10 tỷ USD là không thực tế. Tôi tin vào dự đoán của statista.com hơn: Ngành TMĐT Việt Nam sẽ chạm mốc 3 tỷ USD vào năm 2020”.

Làm thế nào để thúc đẩy ngành TMĐT Việt Nam phát triển nhanh hơn?

“Như tôi đã nói ở trên, nhà nước cần phải có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các cá nhân và công ty tham gia lĩnh vực TMĐT: Từ thuế đến các thủ tục đăng ký hành chính. Ngoài ra, nhà nước cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cả logistic cho vùng nông thôn. Giao thương TMĐT giữa nông thôn và thành thị vẫn đang rất hạn chế, trong khi nhu cầu rất lớn.

Hiện tại, ngành TMĐT ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào khu vực thành thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và dân văn phòng.

Bên cạnh đó, tôi cũng đang mong chờ bước đột phá của 80% các công ty và cá nhân nhỏ lẻ trong ngành TMĐT. Chính họ sẽ là đòn bẩy để "bẩy" TMĐT của Việt Nam lên một tầm cao mới (nếu có thể), chứ không phải 10% các "ông lớn". Anh Bảo kết luận.