Bán lẻ dược phẩm không còn là cuộc đua tam mã

Việt Hưng - 14:12, 19/04/2023

TheLEADER3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc hiện nay là Long Châu của FPT Retail, Pharmacity và An Khang của Thế Giới Di Động.

Năm 2021, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect ghi nhận Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 85% thị trường, còn lại 15% là chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Theo đó, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được dự báo sẽ là cuộc đua mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại. Với việc mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành trên cả nước, các chuỗi này sẽ dần thay thế các cửa hàng thuốc truyền thống.

Mô hình chung của các chuỗi nhà thuốc hiện đại là được đặt tại các vị trí đắc địa; áp dụng các phương thức mua hàng mới như: ship thuốc, bán online, bán kèm sản phẩm tiện lợi; đồng thời chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng nhờ minh bạch giá, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thuốc.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam được tổ chức IQVIA Institute xếp vào nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới.

Doanh thu dược phẩm của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2025 là 8%.

Trong đó, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc là những cái tên quen thuộc như: Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023, cuộc đua mở chuỗi nhà thuốc phần nào đã có những thay đổi đáng kể.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu Q&Me hồi tháng 3, Long Châu đã vươn lên dẫn đầu quy mô nhà thuốc với 1.016 cửa hàng. Trong khi chuỗi Pharmacity chỉ còn 936 nhà thuốc và An Khang là hơn 500.

Bán lẻ dược phẩm không còn là cuộc đua tam mã
Bán lẻ dược phẩm không còn là cuộc đua tam mã

Đáng chú ý, từng có thời điểm cứ mỗi ngày mở mới 1 nhà thuốc An Khang, đồng thời hướng tới mục tiêu có lãi từ chuỗi bán lẻ dược phẩm, nhưng Thế Giới Di Động đã phải tuyên bố sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những của hàng có lợi nhuận.

Tính đến hiện tại, An Khang đã thu hẹp quy mô và cách khá xa so với mục tiêu 800 nhà thuốc trên toàn quốc mà đơn vị này từng tham vọng.

"So với mục tiêu có 800 cửa hàng trước đây, việc chậm lại một nhịp giúp chúng tôi củng cố lại mọi thứ, tìm cơ hội để gia tăng thêm doanh thu cho An Khang trong thời gian tới. Hiện tại, 500 cửa hàng đã đủ lớn trên thị trường", CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Tương tự, Pharmacity sau khi có tân CEO là bà Trần Tuệ Tri và có cổ đông ngoại là SK Group gia nhập vào Maroon Bells - công ty sở hữu Pharmacity, cũng buộc phải "đổi mới toàn diện". Trong đó, bước đầu là thu hẹp quy mô.

Từ giữa năm 2022 đến nay, Pharmacity đã đóng cửa gần 200 nhà thuốc, từ 1.118 cửa hàng xuống còn 936 cửa hàng ở thời điểm hiện tại.

Theo CEO là bà Trần Tuệ Tri, với việc cân đối lại quy mô chuỗi, Pharmacity đảm bảo các nhà thuốc của mình đã, đang và sẽ được đặt ở các vị trí thực sự "chiến lược" để chuỗi có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Chuỗi nhà thuốc này kì vọng vào việc tập trung cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và tối ưu hoá chi phí hoạt động, nhằm đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm 2023.

Trong khi đó, Long Châu là chuỗi nhà thuốc duy nhất đi "ngược chiều gió" khi vẫn lạc quan với hoạt động kinh doanh của chuỗi nhà thuốc trong năm 2023 với hơn 1.000 cửa hàng hiện hữu.

Điểm khác biệt của Long Châu đến từ tốc độ mở rộng quy mô thần kì của chuỗi này chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm trở lại đây. Nếu như tại thời điểm quý 1/2022, Long Châu của FPT Retail mới vận hành 546 nhà thuốc - bằng một nửa quy mô của Pharmacity, thì hiện tại công ty đã vượt qua đối thủ.

Về hiệu quả hoạt động trên mỗi nhà thuốc, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail cho biết, với mỗi nhà thuốc Long Châu mở mới bắt buộc phải có lãi ngay sau 6 tháng hoạt động.

Giải thích về câu chuyện có thể lãi trong vòng 6 tháng, bà Điệp nhấn mạnh đây là cả một quá trình chuẩn bị, từ đánh giá toàn diện để chọn mặt bằng đến đàm phán giá thuê, đến đào tạo dược sĩ để tạo độ uy tín cho nhà thuốc.

Với vị thế là chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam hiện tại, Long Châu dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1.400 - 1.500 nhà thuốc.