Bán mình ở Đông Nam Á, Uber tiếp tục gặp khó tại châu Âu

Anh Duy - 20:00, 10/04/2018

TheLEADERTòa án tối cao của liên minh châu Âu EU mới đây đã ủng hộ đối với quyền cấm dịch vụ gọi xe Uber của các quốc gia thành viên như Pháp mà không cần phải thông báo.

Bán mình ở Đông Nam Á, Uber tiếp tục gặp khó tại châu Âu
Uber liên tục gặp khó khăn thời gian gần đây. Ảnh: AFP

Cụ thể, Tòa án Công lý Châu Âu đã đưa ra quyết định ủng hộ lệnh cấm dịch vụ UberPop của Pháp, theo sau quyết định ủng hộ các công ty taxi truyền thống tại Tây Ban Nha vào tháng 12 năm ngoái.

Theo phán quyết của tòa án tối cao này, "trong khuôn khổ pháp luật hình sự, các quốc gia thành viên có thể cấm cũng như trừng phạt hoạt động vận tải bất hợp pháp của UberPop mà không cần thông báo trước".

Hoạt động của Uber tại Pháp đang phải đối mặt quá trình tố tụng hình sự đối với dịch vụ UberPop tại khu vực thành phố Lille phía Bắc nước Pháp.

Uber lập luận rằng, các quốc gia thành viên như Pháp cần phải thông báo cho Ủy ban châu Âu về vụ việc được đưa ra theo luật hình sự do liên quan đến quy định kỹ thuật về dịch vụ xã hội thông tin.

Thế nhưng, Tòa án Công lý châu Âu cho rằng, trường hợp này của Pháp giống như trường hợp trước đó vào tháng 12 năm ngoái khi Uber được phán quyết là một công ty vận tải thay vì là một ứng dụng.

Tòa án tuyên bố: "Về bản chất, dịch vụ UberPop được cung cấp tại Pháp giống hệt với dịch vụ được cung cấp tại Tây Ban Nha".

Kể từ khi xuất hiện năm 2011, Uber đã làm đảo lộn ngành công nghiệp taxi trên toàn thế giới. Hiện dịch vụ này đã được triển khai tại khoảng 600 thành phố trên thế giới với mức định giá 68 tỷ USD.

Trong vụ việc liên quan đến vấn đề pháp lý hồi tháng 12 năm ngoái tại khu vực châu Âu, Uber lập luận và cho rằng đây chỉ là một ứng dụng kỹ thuật số, đóng vai trò trung gian giữa tài xế và hành khách. Uber cho phép hành khách gọi xe thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Do đó, Uber sẽ được chịu sự điều tiết ít khắt khe hơn đối với quy định về dịch vụ trực tuyến của EU.

Tuy nhiên, Tòa án Công lý châu Âu lại cho rằng, dịch vụ mà Uber cung cấp thuộc lĩnh vực vận tải nên các quốc gia thành viên có quyền kiểm soát và điều tiết Uber theo những điều kiện, yêu cầu về cung cấp dịch vụ vận tải.

Phán quyết trên cùng với tuyên bố mới nhất từ Tòa án Công lý châu Âu tiếp tục kéo dài chuỗi ngày xám xịt trong hoạt động của dịch vụ này. Uber một lần nữa gặp những thất bại về pháp lý bên cạnh những thất bại về thị trường.

Hôm 26/3 vừa qua, Uber đã đồng ý bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, kết thúc cuộc chiến đầy tiêu hao tại khu vực đang tăng trưởng nhanh.

Theo đó, Uber sẽ bán lại tất cả các mảng kinh doanh của mình tại Đông Nam Á cho Grab, đổi lấy 27,5% cổ phần sau khi hợp nhất và giám đốc điều hành của Uber sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của Grab tại Singapore.