Bản quyền World Cup nữ 2023: Có hiện tượng phân biệt đối xử?

Hương Giang - 08:15, 05/06/2023

TheLEADERMặc dù 155 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đã sở hữu bản quyền phát sóng chương trình World Cup nữ 2023, 5 quốc gia châu Âu lại đối diện với nguy cơ bị cắt sóng. Đáng ngạc nhiên, động thái này có thể liên quan đến sự phân biệt đối xử giữa bóng đá nam và bóng đá nữ.

Bản quyền World Cup nữ 2023: Có hiện tượng phân biệt đối xử?
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong Sea Games 32 (Ảnh: Người lao động)

Không cần phải chờ đến phút chót như trong trường hợp của World Cup bóng đá nam, người hâm mộ Việt Nam hiện đã có thể yên tâm rằng họ sẽ được trải nghiệm trọn vẹn World Cup nữ 2023.

Gần đây, công ty truyền thông VMG Media của Việt Nam đã thành công mua bản quyền truyền hình cho giải đấu diễn ra tại Australia và New Zealand từ ngày 20/7 đến 20/8 tới. Điều này đồng nghĩa với việc những người yêu bóng đá sẽ được thưởng thức không khí của World Cup lần đầu tiên và cổ vũ cho đội tuyển nữ Việt Nam tranh tài tại bảng E cùng với đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Bên lề sự kiện, câu chuyện về bản quyền World Cup cũng là một chủ đề tương đối thú vị khi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã hoàn tất các thủ tục mua bản quyền từ lâu, trong khi những đại gia ở châu Âu có thể sẽ mất cơ hội phát sóng.

Theo tờ báo Le Monde của Pháp, những quốc gia này bao gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Đây là những quốc gia chỉ trả từ 2 đến 4 triệu euro cho bản quyền truyền hình World Cup nữ 2023. Số tiền này có khoảng cách khá xa so với mong đợi của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, người cho rằng giá trị của bản quyền nên từ 8 đến 10 triệu euro.

Trong một tuyên bố vào đầu tháng 5, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết việc các đài truyền hình ở những quốc gia này đưa ra mức giá thầu thấp hơn ít nhất 100 lần so với bản quyền World Cup bóng đá nam là điều "không thể chấp nhận được".

World Cup nữ 2023là lần đầu tiên các đài truyền hình trên toàn cầu phải mua gói bản quyền riêng biệt cho World Cup bóng đá nữ. Đây là một nỗ lực của FIFA trong việc cố gắng thương mại hóa giải đấu hàng đầu thế giới dành cho phụ nữ. Trước đây, bản quyền chương trình này thường được bao gồm trong các gói tiện ích bổ sung khi các đài truyền hình mua bản quyền World Cup bóng đá nam.

"Việc các đài truyền hình quốc gia và đài tư nhân này đưa ra mức giá thầu cho bản quyền World Cup bóng đá nữ thấp hơn khoảng 100 lần so với bản quyền World Cup bóng đá nam là điều không thể chấp nhận được", Chủ tịch FIFA cho biết.

"Nhiều đài truyền hình trong số này thường lên tiếng về sự bình đẳng, nhưng lại đưa ra gói giá thầu bản quyền World Cup bóng đá nữ ít hơn 100 lần so với bóng đá nam, mặc dù số lượng người xem tương đương. Điều này là không thể chấp nhận được", Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhấn mạnh.

Theo ông Infantino, FIFA đang đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 4 năm để phát triển bóng đá nữ trên toàn cầu.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề này, nhưng điều quan trọng là mọi người phải hành động cụ thể thay vì lời nói. Ngoài ra, chúng ta cần bắt đầu xem xét bóng đá nữ theo một cách công bằng hơn, tương tự như cách chúng ta đã làm với bóng đá nam", ông Infantino thêm.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng những quốc gia này cũng có lý do của riêng họ. Với việc World Cup 2023 được tổ chức tại Australia & New Zealand, do chênh lệch múi giờ, khán giá châu Âu sẽ phải theo dõi các trận đấu vào khoảng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Đây là khung giờ không thuận lợi, gây tụt giảm lượng người xem và doanh thu quảng cáo. Do đó, có thể các nhà đài không muốn đầu tư quá nhiều cho một giải đấu có tỷ lệ sinh lời không cao.