Bất chấp Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật muốn vào Việt Nam

Minh Khôi - 16:01, 24/11/2021

TheLEADERSự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy niềm tin của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, và sức hút nội tại của thị trường này.

Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi – chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản, mới đây cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

Cùng với đó, Shionogi mong muốn đầu tư một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc điều trị bệnh tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở đầu tiên của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi này được đưa ra trong buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, trường đại học của Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Thủ tướng nhất trí với đề nghị trên của tập đoàn, và đề nghị Shionogi làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để nghiên cứu, triển khai; trên tinh thần thực hiện đúng luật pháp của mỗi bên và hai bên cùng có lợi.

Thúc đẩy hợp tác về y tế, sản xuất thuốc chữa bệnh, vaccine phòng Covid-19 và các vaccine phòng, chống dịch bệnh khác, là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này.

“Việc gì đầu tiên cũng thường khó khăn, song mong tập đoàn sẽ thành công tại Việt Nam, góp phần phòng, chống thành công đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bất chấp Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật muốn vào Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngoài dược phẩm Shionogi, đại diện Tập đoàn Hitachi đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét để tập đoàn mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam, như các dự án về môi trường, y tế, giảm thiệt hại thiên tai.

Đặc biệt, tập đoàn này mong muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những lĩnh vực mà Hitachi quan tâm cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang cần phát triển, nhất là về giao thông. Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị tập đoàn làm việc với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để tìm hiểu, đầu tư.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị trước mắt Hitachi nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đoạn TP.HCM – Cần Thơ, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra các tuyến khác. “Việc đầu tư có thể theo hình thức đối tác công – tư (PPP); mong các bên bắt tay ngay vào công việc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Nhật Bản cho biết đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, y tế, công nghệ, năng lượng tái tạo, như tập đoàn thiết bị xử lý môi trường Kobuta, tập đoàn Paramount, tập đoàn Horiba và tập đoàn Azuma.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý tưởng đầu tư của các doanh nghiệp, cho biết đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần đầu tư.

Thủ tưởng yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan hữu quan của Việt Nam để nghiên cứu các quy hoạch, trên cơ sở đó làm căn cứ để đầu tư.

Trong đó, đối với các dự án điện mặt trời, cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp giảm giá thành và tăng hiệu quả đầu tư. Đối với hợp tác trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng đề nghị xem xét đầu tư các bệnh viện tuyến cuối của Trung ương, nhất là đầu tư về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh từ xa.

Trước đó, trong buổi làm việc ngày 23/11, nhiều “đại gia” Nhật Bản đang có đầu tư tại Việt Nam cho biết mong muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường, như AEON, ENEOS, hay Fast Retailing – đơn vị sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết lũy kế đến nay, tổng FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Bất chấp Covid-19, FDI từ Nhật Bản vẫn “đổ bộ” Việt Nam, với số dự án cấp mới trong 10 tháng đầu 2021 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp Covid-19.

Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, và sức hút từ nội tại của thị trường sôi động này.