Bị Covid-19 giáng đòn chí tử, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn 'cửa sáng'

An Chi - 10:23, 11/06/2020

TheLEADERSau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và cú sốc xù cam cam kết lợi nhuận, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang rất cần những giải pháp thiết thực để sớm phục hồi.

Bị Covid-19 giáng đòn chí tử, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn 'cửa sáng'

Cơ hội phục hồi sau đại dịch

Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang trong tình cảnh ảm đạm khi cả thanh khoản và nguồn cung đều gần như "trắng sổ" do ảnh hưởng từ dịch bệnh và những vấn đề liên quan đến pháp lý, cam kết lợi nhuận, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa vẫn tin vào 'cửa sáng' cho phân khúc này thời gian tới.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam hiện nay chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá - trải nghiệm.

Trong đó, ông Nghĩa nhìn nhận du lịch nghỉ dưỡng ven biển có triển vọng phát triển rất tốt do Việt Nam có nhiều rừng, biển. Du khách phương Tây đánh giá Việt Nam có văn hóa ẩm thực độc đáo và lành mạnh nhất thế giới.

Thứ hai, đại dịch Covid -19 một mặt khiến ngành du lịch bị nhiều tác động tiêu cực nhưng mặt khác cũng giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế, trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn an toàn nhất thế giới. 

Làm gì để bất động sản nghỉ dưỡng sớm phục hồi ?
TS. Lê Xuân Nghĩa

Tạp chí hàng đầu của Mỹ, The Nation với bài viết "Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới" đã ghi nhận Việt Nam như một quốc gia an toàn nhất trong và sau dịch bệnh. Đây chính là những thế mạnh để hồi phục ngành du lịch

Thứ ba, Việt Nam có những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính sự bùng nổ về xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đa chức năng tại nhiều điểm đến như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh đã đón đầu được xu hướng mới, đáp ứng được nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam. 

Sau dịch bệnh, ông Nghĩa dự báo, khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt. Cùng với đó là xu hướng nhiều nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khiến lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh.

Thứ tư, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung đang giữ được sự ổn định. Đại dịch Covid-19 không có khả năng tạo ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy, tỷ giá hối đoái sẽ ổn định và cho phép các nhà đầu tư yêu tâm đầu tư vào các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Vân Đồn, Phú Quốc. 

"Trong trung và dài hạn, du lịch sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Đây cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn, trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế", ông Nghĩa nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khảo sát tại 10 tỉnh thành phố biển cho thấy có 216 dự án phát triển du lịch với khoảng 140.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, mới có khoảng hơn 40.000 sản phẩm được đưa vào khai thác sử dụng, còn lại các dự án đều đang thực hiện, chuẩn bị triển khai.

Trong khi đó, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu khách nội địa. Triển vọng du lịch Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 đạt ít nhất đạt 35 triệu khách du lịch quốc tế; 120 triệu khách du lịch nội địa. Đến năm 2030, Việt Nam đạt 50 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 160 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Để đáp ứng được mục tiêu thu hút khách du lịch này, Việt Nam cần đạt tối thiểu khoảng 400.000 phòng lưu trú. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước mới đạt ngưỡng gần 100.000 phòng 3-5 sao, với 32.000 phòng chất lượng 5 sao; 31.000 phòng 4 sao và 33.000 phòng 3 sao.

Từ thực tiễn trên, ông Đính cho rằng, ngành du lịch còn cần thiết phải đầu tư phát triển mới khoảng 300.000 phòng lưu trú. Đây chính là cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.

Giải pháp phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Đưa ra giải pháp giúp thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, tại Tọa đàm "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19", ông Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng du lịch quốc tế vẫn đình trệ do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kích cầu khách du lịch nội địa là yếu tố quan trọng nhất nhằm vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nhu cầu nội địa của Việt Nam đang ngày càng lớn. Đặc biệt với một quốc gia mới phát triển khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ. Kéo theo đó là những nhu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống như nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch.

Mặt khác, sau dịch bệnh, người dân cũng đang có xu hướng du lịch đường bộ với cự ly gần. Du khách không muốn di chuyển xa bằng đường hàng không để tránh nguy cơ lây nhiễm. Do đó, trước mắt, Việt Nam cần tập trung thu hút đối tượng khách du lịch nội địa này để sớm hồi phục lại ngành du lịch.

Ở khía cạnh khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, du lịch Việt Nam cần đa dạng các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, phát triển kinh tế ban đêm gồm tập hợp các hoạt động du lịch, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, lễ hội, sự kiện là một trong những giải pháp giúp phát triển du lịch một cách bền vững. 

Nếu làm tốt điềm này, theo ông Lực sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo ra các dịch vụ mới cho du lịch. Qua đó, làm gia tăng chi tiêu, số ngày lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế trong bối cảnh các hoạt động du lịch, dịch vụ ban ngày đã đến ngưỡng phát triển.

Còn theo ông Đính, nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của du khách hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đang dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Ông Đính cho rằng, để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, các dự án cần được đầu tư đồng bộ, đa dạng loại hình du lịch vui chơi, giải trí, ẩm thực, hội nghị tạo thành các mô hình khép kín giúp thu hút khách du lịch, qua đó mang lại khả năng sinh lợi cho các nhà đầu tư. 

Những dự án có chất lượng kém, yếu thế trong khả năng khai thác kinh doanh, dự án không có phương án kinh doanh cụ thể, không hiệu quả trong thu hút khách du lịch chắc chắn sẽ không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư.